Ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết mục tiêu của ngành y tế là đến năm 2025, chi phí y tế từ tiền túi của người dân giảm xuống dưới 30% thay vì 43% như hiện nay. Cùng đó, tỉ trọng chi phí khám chữa bệnh tại tuyến huyện và tuyến xã chiếm trên 50% chi phí ở tất cả các tuyến, tăng gần gấp đôi so với hiện nay.
Về gánh nặng chi trả viện phí, bà Nguyễn Kim Phương, chuyên gia tài chính của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng chưa kể chi phí ăn ở, đi lại, hiện người dân Việt Nam vẫn phải tự chi khoản tiền lớn cho các dịch vụ y tế trực tiếp... Cũng theo bà Phương, cách đây hơn 10 năm, tỉ lệ tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh chiếm tới hơn 50% tổng chi y tế của quốc gia và hiện giảm còn khoảng trên 40%.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một quốc gia muốn đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thì một trong những điều kiện về tài chính y tế là tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình phải dưới 30%. Mặc dù chi tiền túi hộ gia đình tại Việt Nam có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. "Thực tế, nếu cứ 2 đồng chi ra thì có 1 đồng được trả từ tiền túi của người dân. Chi tiền túi hộ gia đình cao dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, gây ra tình trạng chi tiêu y tế thảm họa và nghèo đói cho các hộ gia đình sau khi phải trả viện phí" - bà Phương nhận định.
Chi phí quá nhiều từ tiền túi có thể đẩy người dân vào nghèo đói sau một lần bệnh nặng
Trước đó, một nghiên cứu được Trường ĐH Y tế Công cộng công bố cho thấy có 2,3% hộ gia đình Việt (tương đương 550.000 hộ gia đình) đang gặp phải tình trạng chi phí thảm họa - tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả. Thực tế này khiến khoảng 400.000 hộ gia đình bị nghèo hóa sau khi chi trả chi phí y tế. Tỉ lệ nghèo hóa do chi phí y tế càng tăng cao đối với những gia đình có người già, những gia đình sống ở nông thôn, những hộ nghèo và cận nghèo.
Ông Lê Thành Công cho biết để đạt được mục tiêu giảm chi từ tiền túi của người dân xuống dưới 30% đòi hỏi rất nhiều chính sách, trong đó tiếp tục tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, giảm việc người dân phải tự đi mua thuốc để điều trị, tăng tỉ lệ chi trả BHYT lên 100% cho người bệnh, giảm tỉ lệ gia đình phải chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa xuống dưới 2%". Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là phải xây dựng các phương thức chi trả dịch vụ y tế phù hợp, bảo đảm kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng các ưu tiên về chính sách y tế.
Hiện Bộ Y tế đã có những thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý dịch vụ y tế trong đó giá viện phí đang được thực hiện theo hướng tính đúng, tính đủ. Sau khi điều chỉnh giá viện phí với nhóm đối tượng có thẻ BHYT, từ tháng 6 tới đây, giá viện phí mới cũng sẽ được áp dụng theo các lộ trình với những người không có thẻ BHYT.