Sâm Ngọc Linh giả “tung hoành”
Cụ thể, TTXVN dẫn thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để xử phạt Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt (địa chỉ số 941, đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) do chưa có đủ hồ sơ pháp lý trong kinh doanh.
Trước đó, trong ngày 17/4, khi kiểm tra đột xuất cửa hàng trên, lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng được chủ cửa hàng giới thiệu là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như rượu, cốm, cao, trà sâm; trong đó có 48 hũ thủy tinh chứa cốm sâm không có tên, nhãn mác, 10 hũ cao sâm, 18 bình chứa rượu ngâm củ sâm, dung tích 3,5 lít/hũ, 16 bình thủy tinh chứa rượu ngâm củ sâm (được giới thiệu là củ sâm Ngọc Linh)...
Sâm Ngọc Linh hiện được làm giả rất nhiều.
Tổng giá trị các sản phẩm hơn 289 triệu đồng (theo đơn giá cửa hàng bán). Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum phát hiện một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm được giới thiệu là sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh có quy mô lớn.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy chủ cửa hàng trên đã kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy phép bán lẻ rượu, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm...
Theo ông Lê Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, toàn bộ số sản phẩm trên của cửa hàng đã bị cơ quan chức năng tịch thu và sẽ phải tiêu hủy. Cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh Tinh hoa núi rừng Việt phải tạm dừng kinh doanh.
Liên quan tới sâm Ngọc Linh, trước đó, theo tìm hiểu của báo Tài Nguyên & Môi Trường, sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, vì vậy nhu cầu mua sâm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, do đó sâm Ngọc Linh được làm giả rất nhiều.
Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này, tạm gọi tên là sâm 1A. Tuy nhiên, qua xét nghiệm DNA, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%.
Loại sâm giả thứ 2 là từ Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm.
Làm sao để phân biệt thật giả?
Trước thực trạng trên người tiêu dùng nếu không tinh ý rất dễ nhầm lần. Dưới đây là một vài cách phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật.
Người dùng nên tinh ý khi mua sâm Ngọc Linh
Trước hết, sâm Ngọc Linh tự nhiên thật nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt.
Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này. Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn nếu như sờ vào các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác.
Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm được mọc tự nhiên. Kích thước và hình dáng sâm trồng khá đồng đều. Sâm trồng thì xung quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về phần củ.
Còn về phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất. Hình dạng thân của tam thất loằng ngoằng và dài hơn sâm Ngọc Linh. Trên thân Tam thất hoang có chứa nhiều mắt. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.