Chúng ta ai cũng biết rõ về hệ khuẩn ruột bao gồm vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, việc bổ sung các men vi sinh (Probiotics) giúp cân bằng hệ khuẩn ruột trong các trường hợp bị tiêu chảy hay bị rối loạn tiêu hóa... Nhưng không hẳn các men vi sinh chỉ bao gồm các vi khuẩn có lợi mà còn các dạng khác cũng được xếp vào loại này là dạng nấm men, chẳng hạn Saccharomyces boulardii cũng là một men vi sinh hiện nay được sử dụng rất nhiều.
Probiotics có phải “thần dược” cho hệ tiêu hóa?
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã cho thấy thông thường hệ vi sinh vật của một người khỏe mạnh có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu sự cân bằng này mất đi, tỉ lệ hại khuẩn gia tăng thì cơ thể sẽ suy yếu về khả năng miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc một số bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa. Bổ sung Probiotics qua đường uống sẽ là cách tích cực giúp tăng cường khả năng bảo vệ niêm mạc đường ruột, làm gia tăng lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải chủng Probiotics nào cũng là “thần dược” trong mọi trường hợp cho hệ tiêu hóa như nhiều người lầm tưởng. Theo tiến sĩ Lynne V. McFarland, Khoa Nghiên cứu và Phát triển Y tế VA Puget Sound Healthcare System, Seattle WA - Mỹ: “Có rất nhiều loại men vi sinh (Probiotics) khác nhau trong nhiều dạng sản phẩm khác nhau và hiệu quả của chúng khác nhau, tùy thuộc vào tính đặc hiệu của từng chủng. Khi lựa chọn một men vi sinh cho bệnh nhân, không thể chọn đại trà mà cần có những lưu ý như: chủng Probiotics phải phù hợp với bệnh cụ thể, có chứng cứ về hiệu quả từ các nghiên cứu lâm sàng, có tính an toàn, do nhà sản xuất có uy tín sản xuất…”
Không phải probiotics nào cũng mang lại hiệu quả như nhau
Trong các chủng men vi sinh thì Saccharomyces boulardii CNCM I-745 là một nấm men có tính đặc hiệu rõ rệt và đã được Viện Pasteur Pháp cấp chứng nhận, cũng như được các hiệp hội y khoa uy tín nhất thế giới khuyên dùng. Men si sinh với chủng đặc Saccharomyces boulardii CNCM I-745 này mang đến tác dụng rõ rệt trong các trường hợp: Tiêu chảy cấp tính ở trẻ em; tiêu chảy liên quan đến kháng sinh và nhiều bệnh lý liên quan đến sự mất cân bằng hệ khuẩn ruột.
Lịch sử thú vị
Những năm 20 của thế kỷ trước, tiến sĩ Henri Boulard, một nhà vi sinh học người Pháp, đã đến Đông Dương và tại Việt Nam, ông đã quan sát thấy việc sử dụng vỏ trái cây măng cụt có thể chữa được tiêu chảy. Khi quay trở lại Pháp, tiến sĩ Henri đã dành thời gian nghiên cứu và tìm ra một loại nấm thuộc chủng Saccharomyces với lợi ích cho hệ tiêu hóa được ghi nhận rõ ràng. Để ghi dấu sự thành công này, ông lấy tên mình (Boulard) đặt tên cho loại nấm đã tìm ra là Saccharomyces boulardii.
Năm 1947, Michel Hublot và Francois Vallet - những nhà sáng lập Công ty Biocodex (trụ sở tại Pháp) - đã mua lại bằng sáng chế từ tiến sĩ Henri và bắt đầu phát triển chủng này như một men vi sinh để sản xuất thuốc trị tiêu chảy. Cho đến năm 1988, lợi khuẩn này được Công ty Biocodex chính thức đăng ký tại Viện Pasteur của Pháp với tên chủng đặc hiệu là CNCM I-745.
Có thể nói, Saccharomyces boulardii CNCM I-745 là một trong những men vi sinh hiếm hoi được nghiên cứu kỹ lưỡng trong rất nhiều nghiên cứu khác nhau (359 nghiên cứu, tính từ năm 1975 đến năm 2015). Cụ thể như: giúp giảm trung bình 20 giờ bệnh tiêu chảy ở trẻ em bị tiêu chảy cấp khi có bổ sung Saccharomyces boulardii CNCM I-745; cải thiện đáng kể tỉ lệ tiêu chảy liên quan đến kháng sinh hoặc các bệnh lý khác do có sự mất cân bằng hệ khuẩn chí ở ruột.