Theo báo cáo của WHO năm 2014, ung thư vòm họng được đánh giá là khá hiếm gặp. WHO xếp bệnh này ở vị trí thứ 23, xét theo mức độ phổ biến của ung thư. Mỗi năm chỉ có khoảng 80.000 ca mắc mới trên toàn thế giới, chiếm 0,7% tổng ca ung thư nói chung.
Tỉ lệ mắc ung thư vòm họng ở Bắc Mỹ và châu Âu mỗi năm chỉ chưa tới 1/100.000 dân.
Con số này tại Đông Nam Á (điển hình là Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines), khu vực phía Nam Trung Quốc (kể cả Hong Kong) và Bắc Phi là khoảng từ 8 - 15/100.000 ở nữ giới và 20 - 30/100.000 ở nam giới.
Tại Mỹ và châu Âu, những người gốc Á có nguy cơ bị ung thư vòm họng cao hơn người bản địa. Cụ thể, theo số liệu được Hiệp Hội Ung thư Mỹ đầu năm 2017, tỉ lệ mắc bệnh của người gốc Á ở Mỹ là 3,1/100.000 dân, cao gấp 6 lần người da trắng và người gốc Latinh (0,5/100.000 dân).
Dựa vào sự chênh lệch rõ ràng theo vùng địa lý, WHO nhận định, rất có thể gen là một tác nhân quan trọng gây ung thư vòm họng.
Tuy nhiên, chính xác thì sự khác biệt nào trong hệ gen khiến người dân Đông Nam Á hay người sống ở khu vực phía Nam Trung Quốc dễ mắc ung thư vòm họng hơn vẫn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Nguyên nhân chính xác gây bệnh này cũng chưa được tìm ra.
Một điểm đáng chú ý là, theo ghi nhận của Hiệp hội Ung thư Mỹ, Nguy cơ mắc ung thư vòm họng giảm xuống khi những người sống ở Nam Trung Quốc chuyển tới các khu vực có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn (như Mỹ hoặc Nhật Bản). Tuy thế, họ vẫn có khả năng mắc bệnh cao hơn người bản địa, và nguy cơ mắc sẽ giảm dần qua các thế hệ.
Người da trắng sinh ra ở Trung Quốc có nguy cơ mắc cao hơn người da trắng sinh ra ở Mỹ.
Ảnh minh hoạ
Các nhà khoa học đã chỉ một số nhóm nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ung thư vòm họng. Không ít trong số các nguyên nhân này rất quen thuộc trong đời sống người Việt Nam.
Thịt cá muối, thực phẩm lên men chua
Thịt, cá, trứng muối (được xử lý và bảo quản bằng muối mặn) hoặc các loại thực phẩm lên men chua (rau dưa) được ghi nhận là những món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của người châu Á.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, những loại thực phẩm này giàu nitrate và nitrite. Chúng có thể phản ứng với protein tạo thành hợp chất nitrosamine và làm tổn thương ADN. Kết hợp với một chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất, chúng làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư vòm họng.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Virus Epstein-Barr
Ung thư vòm họng được cho là có liên quan tới virus Epstein-Barr (EBV – hay còn được gọi là herpesvirus HHV-4). Đây là một trong những loại virus phổ biến nhất trên thế giới và có thể lây, đặc biệt ở phụ nữ mang bầu và trẻ nhỏ.
EBV được cho có thể làm thay đổi cấu trúc gen trong các tế bào, khiến chúng dễ trở thành tế bào ung thư hơn.
Nói như vậy không có nghĩa ung thư vòm họng là bệnh lây nhiễm, và không phải cứ có virus là bị ung thư. Đa phần, EBV sẽ trở nên bất hoạt khi đi vào cơ thể người. Rất nhiều người có EBV nhưng không mắc ung thư.
Mối liên hệ giữa EBV và ung thư vòm họng hiện vẫn chưa hoàn toàn sáng rõ. Các yếu tố sinh học, trong đó có hệ gen, có thể ảnh hưởng tới cách cơ thể phản ứng với EBV và từ đó mà làm bệnh ung thư khởi phát.
Các bệnh tai – mũi – họng
Những người từng mắc tai - mũi - họng mạn tính (viêm mũi, viêm tai giữa, polyps vùng tai - mũi - họng…), kể cả đã chữa khỏi, cũng có nhiều nguy cơ mắc ung thư vòm họng hơn.
Một số hóa chất độc hại
Hiệp Hội Ung thư Mỹ chỉ ra, tiếp xúc lâu với bụi gỗ và formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Formaldehyde là một loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có trong nhiều vật dụng gia đình như sơn tường, sơn cửa, keo dán, vec-ni, gỗ ép công nghiệp…
Dù thế, chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh rõ ràng mối liên hệ này.
Khói thuốc lá
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, người hút thuốc lá trong thời gian dài (30 năm trở lên) có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp 3 lần bình thường.
Trong khói thuốc lá có hơn 70.000 hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại. Người hút thuốc chủ động hít vào những hóa chất độc hại nào, thì người ngửi mùi thuốc (hút thuốc bị động) cũng hít phải những hóa chất tương tự như vậy.
Điều đó có nghĩa là, nếu sống trong môi trường nhiều khói thuốc, thì ngay cả khi không hút thuốc, bạn cũng có thể có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn bình thường.