Qua giám sát dịch bệnh cho thấy phần lớn những trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Quản lý tiêm chủng qua "mạng"
Chia sẻ với báo chí về công tác tiêm chủng chiều 20-6, GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết từ tháng 6-2017, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã triển khai đồng bộ trên cả nước và được kết nối internet. Trên hệ thống có thể truy cập thông tin về lịch sử tiêm chủng, số lần tiêm/uống các loại vắc-xin của từng trẻ dù được tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng hay tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại bất kỳ địa phương nào trên cả nước. Với những trẻ vãng lai đến tiêm chủng sẽ được hệ thống cập nhật để quản lý theo hộ khẩu thường trú và nơi đăng ký tạm trú. Trẻ sẽ được quản lý chặt chẽ tiền sử tiêm chủng mà không phụ thuộc vào việc bà mẹ giữ sổ ghi chép tiêm chủng hay không hoặc bà mẹ nhớ không đầy đủ về lịch sử tiêm chủng của con mình, trẻ vẫn có cơ hội được tiêm chủng đầy đủ.
Theo GS Đức Anh, sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng hơn 600 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhiều loại vắc-xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, giúp giảm tỉ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin dự phòng từ hàng trăm đến hàng ngàn lần. Năm 2016 vừa qua là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 cả nước duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Với những nỗ lực bền bỉ triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc-xin sởi thường xuyên và chiến dịch nhiều năm qua, số trường hợp mắc bệnh sởi năm 2016 được ghi nhận thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, vắc-xin Rubella đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng từ năm 2014, vắc-xin viêm não Nhật Bản được mở rộng triển khai trên cả nước giúp cho trẻ em ngày càng được chăm lo phòng bệnh đầy đủ và toàn diện hơn.
Tiêm chủng giúp trẻ “né” được nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Nhấn mạnh vai trò của vắc-xin trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em thông qua tiêm chủng, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện vắc-xin không những được sử dụng trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm mà còn để phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh mạn tính khác như ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi... Ngoài việc giúp cho trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí não, vắc-xin còn giúp cho việc bảo vệ sức khỏe của người lớn như các loại vắc-xin phòng cúm hoặc các bệnh mạn tính.
Đừng bỏ lỡ cơ hội
Theo thống kê của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ở mức cao (98%) song trong năm 2016, trên toàn quốc vẫn còn 550.000 trẻ chưa được tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh; 62.000 trẻ chưa được tiêm đủ 3 liều vắc-xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván); gần 80 huyện có tỉ lệ DPT3 dưới 90%. Năm 2016 - đầu năm 2017 dịch bạch hầu, ho gà, quy mô nhỏ vẫn xảy ra rải rác trên cả nước, đặc biệt ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. GS Nguyễn Thanh Long cho biết ở một số nơi vùng sâu, vùng xa trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn, vì vậy, một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại.
Bác sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trọng tâm của công tác tiêm chủng thời gian tới đây là Việt Nam cần phải tăng tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ để đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017. Tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu năm 2016 đạt 68% nhưng tại một số tỉnh, thành phố vẫn ở mức thấp dưới 50%. Theo bà Hồng, thời gian qua, người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-xin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này. Trong khi đó, theo bác sĩ Hồng, các nghiên cứu cho thấy vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm.
Tiêm chủng mở rộng là bắt buộc
Theo PGS Đặng Đức Anh, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc dự án Tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn là quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin sẽ có nguy cơ cao mắc và trẻ mắc bệnh cũng là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với trẻ hoãn tiêm, cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể.