"Do khan hiếm phụ nữ trong nước, nhiều đàn ông ở một số nước châu Á đã phải xuất cảnh tìm vợ. Hôn nhân không dựa trên tình yêu, không hiếm bi kịch đã xảy ra đối với gia đình và hệ lụy đối với xã hội" - GS-TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em - đã chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động sau 1 năm triển khai "Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025".
Phóng viên: Thưa giáo sư, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề mất cân bằng giới tính (CBGT) ngày càng trầm trọng, trong khi việc kiểm soát tình trạng này chưa thực sự hiệu quả.
- GS Nguyễn Đình Cử: Thực ra năm 2006, số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đã có dấu hiệu mất CBGT khi sinh trên toàn quốc. Nhưng sau tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, các nhà khoa học đã cảnh báo về vấn đề này, khi nhận thấy đồng bằng sông Hồng và nhiều tỉnh khác, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) rất cao. Trước thực trạng này, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất CBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025. Nhiều hoạt động truyền thông đã được triển khai sau đó, tuy nhiên, TSGTKS vẫn có xu hướng tăng. Năm 2006, TSGTKS của cả nước là 109,8 thì đến năm 2015 tỉ số này đã lên đến 112,8 (tức là 112,8 bé trai sinh ra mới có 100 bé gái). Đặc biệt, năm 2014, có 15 tỉnh, thành phố có TSGTKS rất cao, trên 115 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2016 có tới 22 tỉnh, thành TSGTKS cao như vậy.
GS-TS Nguyễn Đình Cử
Tất nhiên, để thay đổi tình trạng, vốn là kết quả của tâm lý, tập quán "ưa thích con trai" có từ hàng ngàn năm nay, cộng với việc lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, trong bối cảnh sinh ít con và trình độ phát triển xã hội chưa cao không phải là chuyện dễ dàng, ngày một ngày hai; thậm chí không phải là chuyện 5-10 năm. Nhưng có thể nhận thấy hiện tượng mất CBGT khi sinh đã được hoạch định chính sách, pháp luật sớm chú ý và quyết tâm điều chỉnh; các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm. Đây là điều rất quan trọng để có thể rút ngắn thời gian đưa TSGTKS về mức tự nhiên.
Thưa giáo sư, nhiều nghiên cứu cho thấy có hiện tượng phụ nữ có học vấn càng cao thì tỉ lệ mất CBGT càng lớn?
- Đúng là hiện nay có thực tế phụ nữ học vấn càng cao thì càng lựa chọn sinh con trai. Theo điều tra dân số giữa kỳ 2014, TSGTKS của nhóm người mẹ chưa biết chữ là 106, trong khi đó nhóm bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên là 115! Điều này ngược hẳn với mức sinh: phụ nữ càng có trình độ học vấn cao thì càng sinh ít con. Rõ ràng, chỉ riêng trình độ học vấn chưa "đủ sức" giúp các cặp vợ chồng nói chung và phụ nữ nói riêng bước qua được tâm lý, tập quán "ưa thích con trai". Đây là nhóm sinh ít con nhất trong xã hội nên họ càng cố lựa chọn hoặc bị áp lực gia đình, xã hội phải lựa chọn để sinh được con trai. Mặt khác, trình độ học vấn cao nên họ có khả năng tiếp cận thông tin, khoa học, kỹ thuật để sinh được con trai. Hiện tượng này cho thấy tính chất khó khăn, phức tạp của việc giảm dần và đi đến xóa bỏ lựa chọn giới tính thai nhi và không thể bỏ qua tuyên truyền, vận động cho bất cứ nhóm đối tượng xã hội nào.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng Ảnh: HẢI ANH
Tình trạng mất CBGT khi sinh sẽ để lại hậu quả gì cho gia đình và xã hội, thưa ông?
- Theo tính toán, nếu giảm được chỉ số giới tính xuống mức tự nhiên là 105 vào năm 2025 thì số nam giới trong độ tuổi 20-49 đến giữa thế kỷ XXI vẫn nhiều hơn số nữ (15-44 tuổi) là 2,3 triệu người. Nếu không, chênh lệch này còn nhiều hơn nữa. Hậu quả là nữ giới có thể kết hôn sớm hơn nhưng nam giới sẽ kết hôn muộn, thậm chí phải sống độc thân, cấu trúc gia đình - vợ chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ, an sinh khi tuổi già bị đe dọa. Do khan hiếm phụ nữ trong nước, nhiều đàn ông ở một số nước châu Á đã phải xuất cảnh tìm vợ. Hôn nhân không dựa trên tình yêu, không hiếm bi kịch đã xảy ra đối với gia đình và hệ lụy đối với xã hội. Kế đó là nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Do nhiều nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn có thể dẫn đến quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm khó kiểm soát. Ngoài ra, sự khan hiếm phụ nữ sẽ xảy ra tình trạng tranh giành trong hôn nhân. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ… có thể sẽ tăng.
Là một nhà nghiên cứu, theo giáo sư, làm thế nào để hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi, tiến tới CBGT khi sinh theo tự nhiên?
- Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mất CBGT khi sinh. Vì vậy, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm tăng quyền năng của phụ nữ và giải quyết bất bình đẳng giới. Mặc dù Pháp lệnh Dân số ban hành đã 14 năm nhưng sách, báo vẫn hướng dẫn sinh con trai. Tỉ lệ phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi rất cao chứng tỏ nhiều người và ngay cả những người làm công tác giáo dục, truyền thông, những người cung cấp dịch vụ, những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao nhưng vẫn chưa biết hoặc chưa thi hành pháp luật. Do vậy khi xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội cần chú ý khía cạnh giới, đặc biệt là việc khuyến khích các gia đình chỉ có 2 con gái. Những bằng chứng về nhóm phụ nữ học vấn cao và kinh tế khá giả lại có TSGTKS cao nhất, chỉ nói lên rằng họ có điều kiện hơn để tiếp cận công nghệ cao trong lĩnh vực sinh sản dẫn đến mất CBGT cao. Rõ ràng cơ sở học vấn và kinh tế chưa đủ mạnh để thoát khỏi áp lực "phải có con trai" của Nho giáo.