Tình trạng giảm khứu giác có thể xảy ra và tự khỏi ở nhiều người bình thường nhưng có khi đó là triệu chứng của nhiều dạng bệnh tật tiềm ẩn. Hơn nữa, vì khứu giác với vị giác liên quan chặt chẽ với nhau và thể hiện rõ khi chúng ta dùng thực phẩm nên người bị giảm khứu giác thường nghĩ rằng họ có vấn đề về vị giác.
Nguyên nhân tiềm ẩn
Bệnh nhân có thể bị giảm khứu giác vì những lý do như cảm cúm, dị ứng, chấn thương đầu, nhiễm trùng hô hấp trên, bị polyp ở mũi hoặc xoang, lệch vách ngăn mũi. Bệnh ở xoang, như viêm xoang mạn tính, cũng có thể khiến khó cảm nhận mùi. Khi xoang bị nghẽn, sưng và đầy chất nhầy hơn 12 tuần mà không được chữa trị, viêm tiếp tục gây tổn hại các tế bào cho phép chúng ta cảm nhận mùi. Bên cạnh đó, ít nhất 250 loại dược phẩm có thể ảnh hưởng đến khứu giác và vị giác. Trong đó có một vài loại phổ biến, bao gồm: các kháng sinh như ampicilline và tetracycline; thuốc chống trầm cảm như amitriptyline; thuốc kháng histamine như loratidine. Tuổi tác cũng là yếu tố làm suy giảm khứu giác. Theo Viện Giải phẫu tai - mũi - họng và đầu - cổ của Mỹ, việc cảm nhận mùi ở con người đạt mức tốt nhất trong khoảng từ 30-60 tuổi và khả năng này giảm dần sau độ tuổi đó, giảm đến 39% ở tuổi trên 80. Giới y tế Mỹ ước tính có đển 2 triệu người, tức 12% người trưởng thành nước này, bị giảm khứu giác.
Khứu giác con người hoàn thiện ở tuổi trưởng thành và giảm sút khi về già Ảnh: MNT
Khứu giác giảm sút cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh tật khác. Đa số bệnh nhân Parkinson thường bị giảm cảm nhận mùi và do mối quan hệ này nên xét nghiệm khứu giác có thể giúp phần nào chẩn đoán sớm bệnh Parkinson. Mối liên quan giữa sự suy giảm khứu giác với chứng sa sút trí tuệ (dementia) và bệnh Alzheimer cũng đã được phát hiện và đang là đề tài của nhiều nghiên cứu khoa học. Một nghiên cứu phát hiện ít nhất 40% bệnh nhân đa xơ cứng bị giảm hoặc mất khứu giác và những khuyết tật do bệnh đa xơ cứng gây ra càng nhiều thì khả năng nhận ra mùi vị cụ thể càng giảm. Nhiều nghiên cứu phát hiện bệnh nhân đái tháo đường type 1 có thể gặp khó khăn khi xác định mùi. Bệnh nhân càng có nhiều khiếm khuyết về thần kinh do đái tháo đường gây ra - thường được gọi là tổn hại thần kinh ngoại biên - thì năng lực khứu giác càng giảm. Bệnh nhân ung thư ở khu vực đầu và cổ có thể không bị giảm khứu giác trực tiếp nhưng xạ trị vùng này có thể tác động đến khả năng cảm nhận mùi. Ngoài ra, một số nghiên cứu nêu khả năng tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì, cao huyết áp cũng có thể ít nhiều ảnh hưởng đến khứu giác.
Khả năng phục hồi
Giảm khứu giác có thể tự cải thiện dần mà không cần chữa trị nếu tình trạng đó do cảm, cúm, dị ứng, nhiễm trùng hô hấp và hết hẳn vài ngày hoặc vài tuần sau khi bệnh nhân hồi phục. Tuy nhiên, khi giảm khứu giác do chấn thương đầu hoặc có những tổn hại ở tế bào liên quan đến khứu giác do viêm thì khó có thể hồi phục hoàn toàn. Tình trạng nặng là mất khứu giác và thường liên quan với chấn thương đầu hoặc bệnh ở đường mũi kể cả viêm mũi, viêm xoang nặng hoặc nhiễm virus nặng ở đường hô hấp trên. Nhiều trường hợp mất khứu giác bẩm sinh và theo tổ chức Quỹ Mất khứu giác, có khoảng 22% trường hợp mất khứu giác tự phát, tức không phát hiện được nguyên nhân.
Chẩn đoán và điều trị thường bắt đầu bằng việc khám nghiệm đường mũi, xoang và cấu trúc xung quanh. Thầy thuốc có thể làm nội soi mũi và xét nghiệm hình ảnh nhằm phát hiện tình trạng sưng, chảy máu, chứa mủ hoặc đường mũi bị ngẽn do polyp, lệch vách ngăn hoặc khối u ung thư. Thuốc và phẫu thuật có thể giúp chữa trị giảm khứu giác. Thuốc steroid và kháng histamine có thể được chỉ định để giảm viêm trong trường hợp dị ứng và nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân. Phẫu thuật được thực hiện khi có polyp, lệch vách ngăn và trường hợp có chướng ngại vật cần loại bỏ hoặc cần chỉnh sửa đường mũi. Nhìn chung, nên tìm đến thầy thuốc chuyên khoa mũi khi bệnh nhân cảm thấy khả năng nhận biết mùi giảm sút đột ngột và nặng. Việc chữa trị sớm làm tăng cơ hội nhanh hồi phục.
Các nguyên nhân khó nhận biết mùi:
- Cảm hoặc cúm; dị ứng.
- Chấn thương đầu.
- Nhiễm trùng hoặc viêm mũi, xoang.
- Polyp; vẹo vách ngăn.
- Dùng thuốc.
- Bệnh Parkinson, đa xơ cứng, Alzheimer.
- Đái tháo đường type 1.
- Béo phì, cao huyết áp, suy dinh dưỡng cũng có thể ít nhiều giảm khứu giác.
- Một số người mất khứu giác bẩm sinh và nhiều trường hợp mất khứu giác tự phát.