Các hóa chất gây nhiều quan ngại nhất bao gồm chì và thủy ngân; các thuốc diệt côn trùng chứa phốt phát hữu cơ được sử dụng trong nông nghiệp và vườn nhà; hóa chất phthalates trong dược phẩm, đồ nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân (mỹ phẩm); các chất chống cháy như polybrominated diphenyl ethers (PBDEs); các chất gây ô nhiễm không khí do sự đốt cháy gỗ và các nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo của giáo sư sinh học Susan Schantz và đồng nghiệp (Đại học Illinois, Mỹ) trong tạp chí Environmental Health Perspectives, các hóa chất trên lan tỏa khắp nơi, không những trong không khí và nước mà còn trong các sản phẩm tiêu dùng và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Và ông kêu gọi “cần hành động gấp để bảo vệ trẻ em hôm nay và tương lai bằng việc ngăn ngừa các em tiếp xúc với hóa chất độc hại”.
Bộ não của chúng ta phát triển qua một thời gian rất dài, khởi đầu từ trong bào thai, tiếp tục trong giai đoạn thơ ấu và thời kỳ đầu tuổi trưởng thành nhưng chủ yếu là trong giai đoạn còn là bào thai. Các tế bào thần kinh hình thành, di trú, trưởng thành và biệt hóa. Nếu quá trình này bị phá vỡ thì sẽ để lại các di chứng vĩnh viễn về sau.
Đa số thai phụ ở Mỹ khi xét nghiệm đều dương tính với phthalates và PBDEs. Cả 2 hóa chất này đều ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố tuyến giáp. Nội tiết tố tuyến giáp có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, từ giai đoạn hình thành các tế bào thần kinh đến giai đoạn phân chia tế bào, sự di trú của tế bào thần kinh... Nội tiết tố tuyến giáp điều hòa nhiều gien ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống thần kinh.
Phthalates cũng ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố steroid (do tuyến thượng thận tiết ra). Tiếp xúc với phthalates, trẻ sẽ bị giảm chú ý, chỉ số IQ thấp và rối loạn hành vi.
Tờ Lancet Neurology đăng tải công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard và Trường Y Icahn (Mỹ) cho thấy các hóa chất là độc hại đối với sự phát triển não bộ của trẻ, gây ra chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, khó đọc, phát triển chậm, học hành sút kém. Thêm một số hóa chất gây hại được nhận diện là: mangan, chlorpyrifos và DDT (trong thuốc diệt côn trùng), tetrachloroethylene (một dung môi). Trong đó, mangan gây suy giảm trí tuệ và chức năng vận động; tetrachloroethylene gây tăng động và tính cách dễ gây hấn; thuốc diệt côn trùng làm chậm phát triển nhận thức…
Theo các nhà nghiên cứu, vấn đề đã trở nên bức thiết và mang tính toàn cầu, cần có biện pháp thử các chất hóa học, đánh giá hậu quả đối với sự phát triển của não trẻ trước khi đưa ra sử dụng.