Tỏi: Theo Medical Daily, tỏi là loại gia vị ngon và phổ biến không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày. Theo Trung tâm y tế Maryland (Mỹ), một người lớn khỏe mạnh có thể tiêu thụ khoảng 4 tép tỏi mỗi ngày, tương đương 4 g. Hợp chất allicin trong tỏi có khả năng cản trở quá trình hoạt động của các gốc tự do và tiêu diệt vi khuẩn, chống lại cơn cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Ăn tỏi mỗi ngày cũng giúp cơ thể duy trì mức huyết áp ổn định, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, làm tan các cục máu đông, giảm nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, theo Style Craze, tỏi có thể gây rối loạn dạ dày, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Khi mang thai, bạn nên ngừng ăn tỏi một vài tuần trước khi sinh để ngăn ngừa chảy máu quá mức. Bạn cũng không nên ăn tỏi trước khi phẫu thuật hoặc điều trị nha khoa ít nhất 2 tuần. Tỏi nên được sử dụng thận trọng với các loại thảo mộc và một số loại thuốc chống đông máu khác. Đặc biệt, ăn tỏi sống có thể gây hôi miệng.
Hành khô: Chất allicin trong hành khô giúp làm giảm cholesterol, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Allicin cũng giải phóng oxide nitric, chống đông máu. Ngoài ra, những khoáng chất như đồng, sắt trong hành khô giúp tăng cường lưu thông của máu bằng cách kích thích sản xuất các tế bào máu đỏ.
Khi thái hành khô, khí allyl sulfide được giải phóng tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt sẽ trở thành axit sulfuric, có thể gây kích ứng da, màng nhầy và mắt. Bạn có thể giảm thiểu bằng cách ngâm hành khô trong nước lạnh vài phút trước khi thái.
Hành tây: Theo Live Strong, tiêu thụ hành tây thường xuyên có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, hen suyễn, cao huyết áp, cũng như ngăn ngừa ung thư. Một nghiên cứu trên tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm Mỹ cho biết hành tây có khả năng xây dựng liên kết mô và xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương. Quercetin trong hành tây giúp thúc đẩy hệ thống miễn dịch, chống viêm, hỗ trợ hiệu quả cho những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, hành tây cũng có nhiều tác dụng phụ bạn cần biết. Một số người nhạy cảm có thể bị dị ứng với hành tây. Chúng gây đỏ, ngứa mắt, da nổi mẩn, thậm chí sưng miệng, khó thở, tụt huyết áp. Ngoài ra, hành tây có chứa fructose, gây đầy hơi, khó chịu, ợ nóng và hơi thở hôi. Bạn cũng không nên ăn hành tây khi đang dùng thuốc làm loãng máu.
Gừng được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên điều trị buồn nôn, nôn, chống say tàu xe, mang thai hoặc hóa trị. Chiết xuất từ gừng giúp giảm viêm, hỗ trợ hiệu quả cho bệnh nhân viêm xương khớp, điều trị đau nửa đầu. Bên cạnh đó, gừng có thể cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm nhiễm khuẩn trong dạ dày, ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư đại trực tràng.
Gừng là loại gia vị an toàn cho mọi người, nhưng cũng gây ra một vài tác dụng phụ như ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy. Bạn cũng nên thận trọng trước khi sử dụng gừng nếu đang uống thuốc làm loãng máu, tiểu đường hoặc chống cao huyết áp. Gừng có thể gây chảy máu quá mức, tăng lượng đường trong máu và giảm huyết áp.