Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỉ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 1,6 tỉ người.
8 triệu người chết mỗi năm
Hiện số người chết vì thuốc lá đã tăng lên 8 triệu người, trong đó có 70% ca tử vong ở các nước phát triển. Hiện có 80% số người sử dụng thuốc lá tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc.
Những biển cấm hút thuốc lá được treo ngay lối ra vào tại các bệnh viện
Nhằm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi những hậu quả nặng nề về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế, WHO đã đưa ra Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) từ năm 2003. Công ước đã có hiệu lực từ năm 2005 sau khi có đủ 40 quốc gia đầu tiên phê chuẩn. Đến nay, đã có 180 nước là thành viên của công ước. Đây là một trong những công ước được nhiều nước tham gia nhất trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc. Các nước ký công ước đã đồng loạt có nhiều hoạt động để bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc lá. Các hoạt động nổi bật như xây dựng môi trường không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe lên vỏ bao; tăng thuế thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá… Đã có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá, chiếm 49% dân số. Các quốc gia đi đầu trên thế giới có diện tích in cảnh báo sức khỏe lớn nhất trên vỏ bao thuốc lá như Thái Lan (85% diện tích bao thuốc cả mặt trước và sau). Nhiều quốc gia cũng đã áp dụng chính sách tăng giá và thuế thuốc lá để hạn chế người dân mua thuốc hút. “Theo nghiên cứu gần đây tại 41 nước đã thực hiện ít nhất một biện pháp giảm cầu có tác động mạnh, ước tính số người hút thuốc giảm 14,8 triệu người, ngăn ngừa tử vong do thuốc lá của ít nhất 7,4 triệu người” - đại diện WHO chia sẻ.
Năm 2004, Việt Nam đã tham gia Công ước FCTC với các cam kết thực thi những biện pháp nhằm kiểm soát nguồn cung cấp, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Phó Chủ nhiệm Thường trực chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, trước khi thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà; 5 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện được hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định việc cấm quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị thuốc lá và cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, quy định được diện tích in cảnh báo sức khỏe chiếm 50% vỏ bao thuốc lá. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng cao, 95% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc lá gây ra bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc...
Tăng thuế để giảm hút thuốc lá
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - cho biết hầu hết các nơi đều giảm về số người hút thuốc lá. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 56,1% (năm 2001) xuống 47,4% (năm 2010). Tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% (năm 2007) xuống 2,5% (năm 2014)… Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đánh giá sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây và được nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành và tổ chức xã hội hưởng ứng như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hội An, Nha Trang, Huế, Tiền Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Hải Dương. Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan, công sở.
Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có lý do thuế thuốc lá còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo lộ trình đến ngày 1-1-2016, việc tăng thuế thuốc lá sẽ được thực hiện với mức tăng thêm chỉ 5%, từ mức 65% lên 70%. Tiếp đó, từ ngày 1-1-2019, thuế thuốc lá cũng chỉ tăng từ mức 70% lên 75%.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Nhưng mức tăng chậm và “nhỏ giọt” như hiện nay không đủ sức để giảm nhanh tỉ lệ hút thuốc lá. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển; 8% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và lớp trẻ, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% trong 2 nhóm đối tượng này. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.
Bài và ảnh: Khánh Anh