Ngoại trừ trường hợp bất khả kháng do cơ quan này ngưng hoạt động vì dị tật bẩm sinh, sau cơn bội nhiễm, do chấn thương…, bệnh thường xảy ra vì tụy tạng: hoặc kiệt lực sau nhiều ngày gắng sức do gia chủ quá mạnh miệng với chất đường hoặc cạn sức do phải liên tục đối đầu với tình huống đường huyết tăng quá thường do cuộc sống quá căng thẳng của chủ nhân hoặc tạm ngừng sản xuất vì một cú “sốc” nào đó trong nghề nghiệp, trong gia đình… Chính vì thế, nguyên tắc điều trị bệnh đái tháo đường là tiếp hơi bằng cách tiêm insulin, như với bệnh nhân thuộc nhóm 1, hay uống thuốc có tác dụng tương tự insulin, như với người bệnh thuộc nhóm 2.
Gần đây, nhờ hiểu hơn về bệnh đái tháo đường, thầy thuốc đã phát hiện trong nhiều trường hợp, nội tiết tố insulin không hẳn thiếu mà chỉ bị phong bế hoạt tính. Do đó, thật đáng tiếc nếu chữa bệnh trên tinh thần bù lỗ. Trái lại, nếu có cách nào đánh thức tiềm năng của tụy tạng để cơ quan này lại ra sân vào hiệp hai với chiến thuật thi đấu hiệu quả hơn thì đường huyết của người bệnh ổn định hơn, nghĩa là có thể giảm thuốc đặc hiệu và phòng tránh không mấy khó di chứng của bệnh trên tim, nảo, thận, mắt… Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy cải thiện hoạt tính của insulin là chuyện khả thi nếu trong phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường có thêm một số hoạt chất sinh học như:
- Dược thảo có tác dụng rút ngắn thời gian khởi động tác dụng của thuốc đã được xác minh hiệu năng qua nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng như quế, câu kỷ tử, hoài sơn.
- Khoáng tố vi lượng, điển hình là cặp bài trùng kẽm và crôm với công năng kéo dài tác dụng của thuốc hạ đường huyết. Lượng đường trong máu nhờ đó ít giao động thất thường. Thuốc đa khoáng tố vi lượng vì thế nên được áp dụng thường xuyên cho người bệnh đái tháo đường.
- Sinh tố: Kết quả nghiên cứu cho thấy người có đường huyết không ổn định là đối tượng thường thiếu sinh tố B, cụ thể là B1 chống viêm thần kinh ngoại biên, B6 chống trầm uất, B12 chống thiếu máu. Không cần phải đợi đến lúc có bệnh, bộ ba 3B, theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Mannheim (Đức), nên có sẵn trong tủ thuốc của người có đường huyết mấp mé ngưỡng bệnh lý.
- Chất màu trong mễ cốc: Cũng theo thầy thuốc ở Đức, chất màu thuộc nhóm anthocyanin trong vỏ các loại đậu có khả năng hưng phấn hoạt tính của insulin. Cũng vì thế, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen... là món ăn nên thuốc cho người bệnh đái tháo đường.
Chữa bệnh đái tháo đường chẳng khác cách dùng người. Khéo chính ở chỗ làm sao huy động niềm hứng thú của người cộng tác. Đừng xem thường tụy tạng theo kiểu “thôi đã hết rồi”. Tiềm năng vẫn còn, khó chính ở chỗ làm sao đánh thức!