Mặc dù tỉ lệ người hút thuốc lá năm 2015 ở tuổi trưởng thành giảm so với năm 2010 nhưng vẫn báo động nghiêm trọng tình trạng nghiện thuốc lá dẫn đến bạo bệnh.
Đường đến bệnh tật
Sau gần 2 tuần điều trị tích cực tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai nhưng những cơn ho, khó thở liên tục khiến anh Hoàng V.T, 41 tuổi, ở Bắc Ninh dường như không còn sức lực. Anh T. được chẩn đoán bị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) gần 2 năm qua, từ đó đến nay, anh thường xuyên phải nhập viện. Vốn là lao động chính của gia đình nhưng từ khi bị phát hiện ra bệnh hầu như mọi việc trong gia đình dồn hết vào vợ của anh T.
Theo các bác sĩ, việc anh hút thuốc hơn 10 năm qua được coi là yếu tố quan trọng dẫn đến căn bệnh này. Theo PGS-TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, COPD là bệnh lý rất thường gặp với tần suất ngày càng tăng. Thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh và tử vong do COPD. Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị COPD hơn gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Trẻ em trong gia đình có người hút thuốc lá bị các bệnh đường hô hấp với tỉ lệ cao hơn trẻ em trong gia đình không có người hút thuốc. Khoảng 80%-90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Ngoài ra, khói, bụi nghề nghiệp, khói bếp rơm rạ, củi than... là các yếu tố nguy cơ để phát triển bệnh. Bệnh nhân thường đến khám vì ho, khạc đờm, khó thở. Ho nhiều vào buổi sáng, ho cơn hoặc ho húng hắng, có kèm khạc đờm. Khó thở khi gắng sức, xuất hiện dần dần cùng với ho hoặc sau đó một thời gian, giai đoạn muộn có khó thở liên tục. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn, bệnh liên tục tiến triển nặng dần.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015, tỉ lệ người trên 15 tuổi hút thuốc là 15,6 triệu người, chiếm 22,5% dân số, nam giới chiếm hơn 45%, nữ giới chiếm 1,1%, tức cứ khoảng 2 nam giới trưởng thành, có 1 người hút thuốc. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo thuốc lá là “thủ phạm” gây ra hàng loạt căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Thuốc lá được khẳng định là nguyên nhân gây ra 1/3 trường hợp ung thư, chủ yếu là ung thư phổi. 90% người ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi ở người hút thuốc cao gấp 20 lần so không hút. Người thường xuyên hít khói thuốc nguy cơ ung thư phổi cao gấp 1,2-1,5 lần so người thường. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm một người hút thuốc lá phải chi gần 1,5 triệu đồng, chi phí điều trị, mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra lên đến hơn 1 tỉ USD/năm; chi phí trực tiếp cho 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra là 23.000 tỉ đồng/năm...
Nạn nhân là người thân
Các nghiên cứu cho thấy thuốc là chứa 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư gây ra 16 loại bệnh nguy hiểm trên cơ thể. Theo tính toán, mỗi năm trên thế giới có 6 triệu người chết do hút thuốc, riêng trong thế kỷ XX có trên 100 triệu người chết do ảnh hưởng của thuốc lá và ước tính trong thế kỷ XXI sẽ có khoảng 1 tỉ người chết do thuốc lá. Các nhà y học đã tính một người hút 1 gói thuốc lá/ngày sẽ phải hít khói thuốc lá hơn 70.000 lần/năm. Bởi vậy niêm mạc miệng, mũi họng và khí quản, phế quản sẽ phải tiếp xúc trường kỳ với khói thuốc.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhằm chia sẻ những thông tin về tác hại của việc hút thuốc lá và hít khói thuốc thụ động, những năm qua, Công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với công nhân viên chức lao động về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút thuốc và những người xung quanh. Bởi nạn nhân chính của thuốc lá là người hút và những người thân thiết nhất (bố, mẹ, vợ, con, anh, chị, em) của người hút thuốc. Hiện có 78 Công đoàn ngành và địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá, gần 70% số Công đoàn cơ sở đăng ký xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; tuyên truyền vận động được trên 55.000 công nhân lao động bỏ thuốc lá, 70.000 công nhân lao động giảm hút thuốc lá, hơn 2 triệu lượt công nhân lao động được tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và lợi ích của việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.