Một số trường hợp bị chấn thương đầu nhưng hoàn toàn tỉnh táo, không đau đớn thường nghĩ chấn thương nhẹ không nguy hiểm. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo nhiều trường hợp không nên chủ quan, nhất là khi một thời gian sau đó xuất hiện tình trạng đau đầu, khó tập trung.
Dễ chủ quan với những cú ngã nhẹ
Mới đây, một bệnh nhân nam, 20 tuổi, ở Thanh Hóa, được bệnh viện (BV) tuyến dưới chuyển tới Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai với chẩn đoán hôn mê sâu ngừng tuần hoàn ngoại viện nghi sốc phản vệ. Bạn của bệnh nhân kể khoảng vài tuần nay, anh này có than phiền thường xuyên đau đầu vùng thái dương hai bên sau khi bị ngã va đầu. Cách đây 4 ngày, bệnh nhân bị sốt, mệt mỏi nên tới phòng khám gần nơi cư trú để truyền dịch, mỗi ngày truyền 1-2 chai dung dịch NaCl 0,9% (500 ml). Sau một lần truyền xong, bệnh nhân đột ngột duỗi cứng và hôn mê sâu, được phòng khám xử trí như là một sốc phản vệ và nhanh chóng đưa bệnh nhân vào BV tuyến huyện để cấp cứu. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn với biểu hiện hôn mê, tím tái toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất... Sau 20 phút hồi sinh tim phổi thì tim đập lại và được chuyển tiếp đến BV Bạch Mai. Kết quả chụp phim chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh tụ máu dưới màng cứng bán cấp rất lớn ở bán cầu đại não trái, máu tụ dưới màng cứng. Đây là nguyên gây phù não, khiến bệnh nhân ngừng tuần hoàn.
Với những chấn thương vùng đầu, bệnh nhân cần theo dõi và đến BV khi thấy dấu hiệu đau đầu
Trước đó, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân nam, 76 tuổi, ở Hà Nội, được đưa vào viện cấp cứu vì hôn mê. Trước khi được đưa vào BV cấp cứu 3 ngày, bệnh nhân bị ngã "bổ nhào" từ ghế cao xuống đất, sau cú ngã bệnh nhân mất ý thức vài phút thì tỉnh lại, có kèm đau đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám, chỉ dùng thuốc giảm đau ở nhà. Sáng hôm sau, gia đình phát hiện bệnh nhân thở ngáy, gọi nhưng không tỉnh nên vội vàng gọi xe cứu thương đưa vào BV. Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, mạch nhanh, huyết áp cao, thở khò khè ứ đọng hầu họng, đồng tử hai mắt bị giãn. Kết quả phim chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy ổ xuất huyết nhu mô não rất lớn vùng thái dương, tụ máu dưới màng cứng, chảy máu não. Khoảng 3 giờ sau khi nhập viện, tình trạng ý thức bệnh nhân xấu hơn, đe dọa tử vong nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà...
Chú ý dấu hiệu bất thường
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, hầu hết chấn thương vùng đầu thường nhẹ có thể không cần theo dõi chuyên khoa hoặc nhập viện điều trị. Tuy nhiên, ngay cả các chấn thương nhẹ vẫn có thể gây ra các triệu chứng mạn tính dai dẳng như đau đầu, khó tập trung, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh chủ quan với các dấu hiệu bất thường. "Nhiều trường hợp đi nhậu về bị ngã nhưng bản thân người đó không biết hoặc không biết đầu đã bị va đập, tổn thương. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu dữ dội, lúc đấy mới nhập viện thì đã quá muộn do não bị tổn thương trong thời gian dài. Thậm chí có những bệnh nhân cũng bất ngờ khi biết tình trạng thương tổn của mình, chỉ đến khi bác sĩ khai thác tiền sử bệnh nhân mới vỡ lẽ vì trước đó vài tuần, có khi tới vài tháng, từng bị một chấn thương ở vùng đầu" - bác sĩ Chính chia sẻ.
Lý giải tình trạng nhiều trường hợp không có những biểu hiện tổn thương não sớm sau chấn thương, bác sĩ Chính cho biết có thể do não bị chảy máu rất ít nên chưa gây nên tình trạng tụ máu. Sau một thời gian hiện tượng chảy máu tăng dần lên, máu bắt đầu tụ trong não và gây chèn ép não. Khi não bị chèn ép, bệnh nhân bắt đầu bị hôn mê, buồn nôn, đau đầu. "Qua các trường hợp bệnh nhân nói trên, mọi người không nên chủ quan với bất cứ loại chấn thương đầu nào mà có các triệu chứng nguy hiểm như: đau đầu nhiều và dữ dội, mất ý thức ngắn…, nhất là sau những cú va đập mạnh, cú ngã cao..." - bác sĩ Chính khuyến cáo.
Với những chấn thương ở đầu nhẹ như sưng, u bên ngoài có thể xử lý được ở nhà nhưng khi đầu bị tác động bởi một lực mạnh thì người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị.