Số lần đi tiểu trong ngày của mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào lượng nước uống vào và khả năng làm việc của thận. Theo Trung tâm Y khoa Cleveland Clinic ở bang Ohio - Mỹ, số lượt đi tiểu trung bình trong 24 giờ khoảng từ 6 đến 8 lần. Nhiều hơn 8 lần có thể bị xem là dấu hiệu của tiểu nhiều lần.
Nguyên nhân và khả năng biến chứng
Thông thường, đi tiểu nhiều lần là do uống nhiều thức uống chứa nước khiến cơ thể tăng sản sinh nước tiểu hoặc kích thích bàng quang. Thức uống chứa nhiều caffeine như cà phê, trà và vài dạng thức uống khác cũng khiến tiểu tiện nhiều hơn. Tuy nhiên, tiểu thường xuyên cũng có thể bắt nguồn từ vấn đề y khoa như sỏi bàng quang, đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, các cơ quan sàn chậu yếu, mức độ estrogen thấp, chứng viêm bàng quang kẽ, bàng quang tăng hoạt động. Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ, theo đó, trọng lượng quá đáng tạo áp lực nhiều hơn lên bàng quang dẫn tới các cơ sàn chậu yếu nên có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn. Một nghiên cứu cho thấy 41% phụ nữ cho biết họ đi tiểu nhiều hơn lúc mang thai so với lúc không mang thai và trong số này có 68,8% cảm thấy bất tiện hay chán nản vì tình trạng tiểu nhiều lần. Mãn kinh cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát tiểu tiện. Lúc đó, cơ thể không tiết estrogen, gây tác động lên đường dẫn ở bàng quang và niệu đạo, khiến người phụ nữ cần đi tiểu nhiều lần hơn. Việc sinh con cũng làm cơ sàn chậu - vốn giữ bàng quang ở đúng vị trí - bị yếu đi, gây tiểu tiện nhiều lần. Mặt khác, tiểu tiện nhiều cũng có thể do tế bào thần kinh ở bàng quang bị tổn hại. Một số phụ nữ không bị tiểu nhiều lần ngay sau thời gian sinh con nhưng lại mắc phải triệu chứng này vài năm sau đó.
Bệnh nhân cũng có thể mắc thêm vài triệu chứng giúp thầy thuốc có thể dễ xác định nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tiểu nhiều lần, như: nước tiểu đổi màu đỏ, hồng hoặc nâu; đột ngột nhận thấy bị thúc ép mạnh cần đi tiểu; rò rỉ nước tiểu hoặc không kiểm soát tiểu tiện; đau hoặc nóng buốt khi đi tiểu. Mặt khác, tiểu nhiều lần còn có thể là do biến chứng của căn bệnh khác chưa được rõ và trong trường hợp này cần điều trị nguyên nhân. Ví dụ, đó có thể là do nhiễm trùng đường tiết niệu và nếu không trị liệu có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng cả hệ thống, gây tổn hại thận và hẹp niệu đạo.
Trị liệu và phòng ngừa
Tình trạng tiểu nhiều lần không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ. Họ có thể ngủ không đủ giấc do phải thường xuyên vào nhà vệ sinh ban đêm hoặc khó đi đây đó, hạn chế giao tiếp do e ngại về nhu cầu riêng tư của mình. Nếu tiểu nhiều lần đi kèm những triệu chứng có khả năng do nhiễm trùng gây ra thì bệnh nhân nên tìm đến bác sĩ. Những triệu chứng đó thường là sốt, đau buốt khi đi tiểu hoặc nước tiểu hồng, có lẫn ít máu. Đau khi đi tiểu hoặc đau vùng chậu kèm theo tiểu nhiều lần cũng có thể do một số nguyên nhân đáng lo ngại khác.
Thông thường, có những phương pháp về lối sống và hỗ trợ bằng thuốc để ngăn ngừa và chữa trị tình trạng tiểu thường xuyên. Đầu tiên, nếu triệu chứng gây ra do nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân cần tham khảo thầy thuốc để chữa trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp. Trong trường hợp không phải do nhiễm trùng, một số phương pháp có thể giúp hạn chế tình trạng này:
- Thay đổi lối sống: Tránh thực phẩm dễ gây kích thích bàng quang gồm thức ăn và thức uống chứa nhiều caffeine, cồn, carbonate, sô-cô-la, chất ngọt nhân tạo, nhiều gia vị và cà chua.
- Tránh uống nhiều nước lúc lên giường ngủ để hạn chế số lần đi tiểu đêm.
- Bệnh nhân có thể tập luyện bàng quang bằng cách lập lịch đi tiểu định kỳ hằng ngày, thay vì cứ luôn vào nhà vệ sinh khi thấy có nhu cầu đi tiểu. Bệnh nhân có thể chọn cách thư giãn bàng quang để xem có thể giảm nhu cầu đi tiểu hay không. Cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Ngoài những phương pháp nói trên, một số thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị tiểu nhiều gồm: imipramine (tofranil), mirabegron (myrbetriq), oxybutynin (ditroban), tolterodine (detrol). Trong vài trường hợp, thầy thuốc có thể chỉ định tiêm botulinum toxin (BOTOX) với tác dụng giảm co thắt và thư giãn bàng quang.
Những câu hỏi giúp bác sĩ chẩn đoán
- Bệnh nhân nhận thấy triệu chứng tiểu nhiều lần đầu tiên từ lúc nào?
- Điều gì làm triệu chứng đó tồi tệ hơn, điều gì giúp cải thiện?
- Có đang dùng loại thuốc nào không?
- Thức ăn, thức uống thường dùng hằng ngày là gì?
- Có thêm triệu chứng nào khác khi đi tiểu như đau, nóng buốt, cảm giác đầy căng ở bàng quang?
Bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu nước tiểu và xét nghiệm đo áp lực bàng quang và một số biện pháp khác để đánh giá bệnh trạng và khả năng có bệnh tiềm ẩn.