Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, BHXH TP HCM dẫn giải về chế độ tai nạn lao động thực hiện từ ngày 1-7-2016 theo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, người lao động có nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ theo nguyên tắc đóng hưởng.
Điều kiện chế độ tai nạn lao động đối với người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị thương tật, bệnh tật ổn định; phần đồng chi trả và ngoài danh mục do BHYT chi trả; trả phí giám định y khoa nếu suy giảm khả năng lao động dưới 5%; toàn bộ chi phí y tế nếu không tham gia BHYT; trả đủ lương cho người lao động trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng; bồi thường không do lỗi người lao động ít nhất bằng 1,5 tháng lương (suy giảm từ 5%-10%), tăng thêm 1% thì cộng thêm 0,4 tháng lương cộng phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, ít nhất 30 tháng lương từ 81%; trợ cấp do lỗi người lao động: Ít nhất bằng 40% của mức bồi thường; sơ cấp cứu kịp thời và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; giới thiệu giám định y khoa; sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe.