Thấy bé Huy, 11 tuổi, chiều nào tan học về cũng than mệt, chị Trần Phương Mai, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chỉ nghĩ rằng con học nhiều nên mệt. Trong một lần con bị sốt cao, phải nhập viện, sau khi làm xét nghiệm vợ chồng chị đều bất ngờ trước kết quả con trai bị tiểu đường type 2.
Trẻ bụ bẫm dễ bị tiểu đường
Chị Mai cho biết: “Trong gia đình không ai mắc bệnh này. Thấy cháu Huy bụ bẫm hơn các bạn nên cả nhà ai cũng nghĩ do con ăn nhiều nên chỉ thừa cân chút thôi, không hiểu sao thằng bé lại mắc tiểu đường!?”. Theo bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nội tiết trung ương, tại thời điểm nhập viện, cháu Huy có biểu hiện mệt mỏi, háo nước, ngại vận động và thừa cân béo phì, đo đường huyết lên tới 15 mmol/lít (trong khi chỉ số đường huyết của người khỏe mạnh chỉ 6-6,5 mmol/lít)... Mới hơn 11 tuổi, Huy đã nặng 64 kg nhưng chỉ cao 150 cm.
Bác sĩ Dương cho biết đây chỉ là một trong số những bệnh nhi bị tiểu đường type 2 mà BV đang điều trị. BV đã và đang điều trị cho nhiều bệnh nhi có độ tuổi dưới 15 nhưng đã có “thâm niên” 5- 6 năm chung sống với căn bệnh này. Có em chỉ số đường huyết lên tới 20 mmol/lít. Hầu hết những trường hợp này bị thừa cân, béo phì. Nhiều cháu chỉ học lớp 4, 5 nhưng được bố mẹ “chăm sóc chu đáo” nên cân nặng lên đến 70-75 kg. Theo bác sĩ Dương, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ nghiện game và tivi... Thậm chí nhiều cha mẹ cho biết do còn nhỏ, con còi cọc nên ép con uống bằng được các loại sữa tăng cân và thoải mái cho con ăn đồ ngọt. “Khi trẻ mắc tiểu đường thì chủ yếu là tiểu đường type 2, chiếm khoảng trên 90%. Với tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ cao như hiện nay, nguy cơ tiểu đường type 2 ở trẻ lại càng cao” - bác sĩ Dương nói.
Theo chia sẻ của BS Dương, lứa tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Trước kia, người bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 40-45, nay các bác sĩ điều trị cho cả trẻ 11-12 tuổi trở lên, không chỉ ở thành phố lớn như Hà Nội mà còn ở cả tỉnh miền núi. Hiện nhiều cha mẹ đang sai lầm, mất cân đối trong cách chăm sóc khẩu phần dinh dưỡng cho con trẻ. Phần lớn chỉ tập trung cho con ăn thật nhiều, càng “có da, có thịt” càng tốt mà quên đi việc phải cân đối đầu vào và đầu ra cho trẻ. Thực tế hiện nay, đa phần trẻ dành nhiều thời gian cho việc học hành và không có thời gian thể dục, thể thao. Các loại đồ ăn nhanh như: Bánh mì kẹp thịt, xôi chả, gà chiên... vốn giàu năng lượng lại được trẻ yêu thích và sử dụng nhiều trong khi ít vận động đã khiến trẻ dễ béo phì, đọng mỡ tạng ảnh hưởng tới tiết insulin ở tụy. “Chẳng hạn khi trẻ ăn 100 g bơ rất béo, nhìn ít nhưng để tiêu thụ thì phải đi bộ nhanh 20 km. Trẻ ăn rất nhiều bim bim, năng lượng tích lũy trong cơ thể cực kỳ lớn, nếu không có thời gian chơi thể thao thì béo phì là chuyện hoàn toàn dễ hiểu” - bác sĩ Dương phân tích.
Khó phát hiện
Trong giai đoạn đầu khi trẻ bị bệnh thường rất khó phát hiện. Trẻ chỉ khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân. Các dấu hiệu như: co giật, hôn mê, nhiễm trùng, lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã trở nặng. Việc phát hiện tiểu đường ở trẻ thường rất tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc trẻ đang được chữa trị cho một bệnh khác. Với trẻ, nếu bị tiểu đường lại càng nguy hiểm bởi trẻ chưa ý thức được hành vi trong việc tự bảo vệ, các dấu hiệu bệnh không rõ ràng và đặc biệt trẻ rất khó tự kiểm soát được các cơn “thèm ăn” của mình. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch, bị khuyết tật do phải tháo bỏ chi. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn bắt buộc phải dùng insulin tiêm vì gan đã tổn thương. Khi đó, trẻ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được và sống phụ thuộc vào thuốc. Bởi lúc đó, 50% tế bào tuyến tụy đã bị phá hủy, nếu trẻ tiếp tục không kiểm soát dinh dưỡng, tập luyện thì tình trạng bệnh rất nguy hiểm.
Giảm khẩu phần ăn, tăng vận động
Các chuyên gia khuyến cáo, để dự phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá. Thực tế nhiều bệnh nhi bị tiểu đường do béo phì, chỉ cần giảm khẩu phần ăn, tăng cường tập thể dục, đi bộ… sau 3-4 năm đã không phải dùng thuốc. Theo bác sĩ Dương, nếu trẻ 13-15 tuổi bị tiểu đường nhưng không được chăm sóc bệnh tốt thì chỉ 5 năm sau bắt đầu giảm thị lực, 10-15 năm sau sẽ suy thận. Lúc đó, cha mẹ có ân hận cũng đã muộn. Trong khi đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng chống được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.