Dùng nhiều thuốc (polypharmacy) được định nghĩa là dùng 5 loại thuốc khác nhau hoặc hơn, với nhiều khả năng dùng không thích hợp. Vấn đề này từng được quan tâm khá lâu và ngày càng nghiêm trọng hơn, theo khảo sát của TS Dima Qato tại Học viện Dược Chicago và cộng sự được công bố trên tờ JAMA Internal Medicine. Trong 2 năm 2005 và 2006, có đến 50% người Mỹ từ 57-85 tuổi dùng hơn 5 loại thuốc, trong đó có thể là thuốc được kê toa, thuốc thông dụng bán không cần theo đơn (OTC) hoặc thực phẩm bổ sung và khoảng 30% dùng 5 loại thuốc trở lên được kê toa. Tỉ lệ dùng hơn 5 loại thuốc kê toa đã tăng lên 35,8% trong 2 năm 2010 và 2011.
Nguyên nhân gây tử vong cao
Bệnh nhân mang bệnh tình phức tạp có nhu cầu dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên, khảo sát đã cho thấy hơn 58% bệnh nhân dùng ít nhất 1 loại thuốc không cần thiết và nhiều trường hợp có hiện tượng thuốc này chống lại tác dụng của thuốc khác. Theo trang tin Health Research Funding, việc dùng nhiều thuốc không thích hợp khiến bệnh nhân phải nhập viện chiếm 28% tổng số bệnh nhân phải điều trị ở bệnh viện và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 ở Mỹ. Dùng nhiều thuốc không thích hợp có thể thuộc những trường hợp sau: Thứ nhất, bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc khi không còn cần thiết nữa, hoặc liều lượng không phù hợp nữa. Thứ hai, thuốc không đạt được mục tiêu điều trị. Kế đến là sự phối hợp thuốc dẫn tới phản ứng bất lợi do tương tác thuốc. Và cuối cùng, bệnh nhân không tuân theo chỉ định của thầy thuốc. TS Qato cũng nêu trường hợp các bác sĩ cho thuốc có tác dụng đối kháng nhau, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có nhiều bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh tim, đái tháo đường và nhiều khi thầy thuốc không biết tất cả loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng do bệnh nhân điều trị nhiều nơi. Do đó, bà Qato khuyến cáo: “Bệnh nhân nên báo với thầy thuốc tất cả loại thuốc và thực phẩm bổ sung mình đang dùng ngay cả thuốc không phải do thầy thuốc đó chỉ định”.
Tình trạng dùng nhiều thuốc không thích hợp thường xảy ra ở người cao tuổi Ảnh: MEDICAL NEWS TODAY
Bên cạnh đó, số lượng người dùng thực phẩm và dược thảo bổ sung ngày càng tăng mà không biết dạng thực phẩm này cũng có thể gây tương tác thuốc. Tỉ lệ dùng kèm thực phẩm bổ sung với thuốc được kê toa với tổng số hơn 5 loại tăng thêm từ 51,8% 63,7% ở người cao tuổi Mỹ và thường là đa vitamin, khoáng chất, canxi. Nguy cơ kháng thuốc nặng cũng tăng thêm từ 8,4% lên 15,1% và nhóm nghiên cứu tình nghi do việc sử dụng thực phẩm bổ sung tăng. TS Qato khuyến cáo bệnh nhân nên hỏi ý kiến dược sĩ khi mua thuốc OTC và thực phẩm chức năng, bảo đảm sử dụng an toàn với thuốc đang dùng. Một nghiên cứu khác cũng được công bố trên tờ JAMA Internal Medicine cho thấy có đến 42,3% bệnh nhân không khai báo với bác sĩ việc sử dụng thực phẩm bổ sung vì cho rằng điều đó là không cần thiết.
Thận trọng hơn ở người cao tuổi
Tương tác thuốc ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng hơn ở người cao tuổi vì họ có nhu cầu dùng nhiều loại thuốc do khả năng mắc nhiều bệnh. Bình quân người Mỹ trong độ tuổi từ 65-69 dùng 14 loại thuốc được kê toa và con số ngày tăng lên 18 ở độ tuổi từ 80-84. Nhóm của TS Qato phát hiện những người từ 62-85 tuổi thường dùng phối hợp các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông, hạ mỡ máu, kháng viêm không steroid và tất cả loại thuốc này đều có thể dẫn tới tương tác thuốc gây nguy cơ cho sức khỏe vốn dễ tổn thương ở người già. Thực phẩm chức năng như hương thảo cũng có thể tương tác với thuốc kháng đông, thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu. Nhu cầu dùng thuốc và cơ thể người cao tuổi thay đổi từng lúc và liều dùng không thích hợp ở lúc nào đó cũng có thể gây ảnh hưởng nặng. Tuổi già hay quên cũng khiến họ có thể dùng thuốc nhiều lần dẫn đến sự cố do quá liều.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo: “Việc sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc một cách không an toàn ở người cao tuổi là mối lo ngại ngày càng tăng cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, nhân viên y tế nên thận trọng xem xét khả năng gây tác dụng phụ do sử dụng phối hợp các loại thuốc được kê toa và OTC khi điều trị cho người cao tuổi và khuyến cáo họ về nguy cơ này. Đối với người cao tuổi, hỗn hợp thuốc gây tương tác thường liên quan đến thuốc hạ mỡ máu statin, thuốc hạ huyết áp amlodipine, thuốc omeprazol, dầu cá omega-3, niacin. Hầu hết tương tác thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, nhược cơ, suy thận, hình thành huyết khối và nguy cơ gây tử vong”.
Triệu chứng tương tác thuốc thường gặp
- Ăn mất ngon, táo bón, tiêu chảy, mất kiềm chế.
- Mệt mỏi, mất ngủ, giảm tỉnh táo.
- Mất cảm giác, chóng mặt, ảo giác.
- Trầm cảm hoặc kích động.
- Phát ban hoặc nổi mụn trên da.