Theo bác sĩ Đoàn Hữu Hậu, khảo sát tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 1997 ghi nhận ĐTĐTK có tỉ lệ là 2,1%. Năm 2002-2004, bác sĩ Tạ Văn Bình và cộng sự ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Phụ sản Hà Nội, tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐTK là 5,7%. Năm 2015 ghi nhận tại Bệnh viện Hùng Vương tỉ lệ ĐTĐTK là 9,3%.
Từ tháng 4-2016, Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập Đơn vị quản lý ĐTĐTK đầu tiên tại TP HCM. Các bệnh nhân khi phát hiện ĐTĐTK sẽ tiết chế chế độ dinh dưỡng, vận động đi bộ, bơi lội, yoga cho bà bầu...với phương pháp này sẽ giúp cho đường huyết ổn định và sẽ giảm được ĐTĐTK từ 80%-90%. Tại buổi sơ kết hoạt động, PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết trong 10 năm gần đây, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đã tăng 211%, so với thế giới đây là con số rất đáng ngại.
Việt Nam là một trong những nước châu Á có bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc bệnh thấp nhất so với các nước trong khu vực. Trong thai kỳ, ĐTĐTK không kiểm soát tốt dẫn đến kết cục xấu: tăng tỉ lệ mổ do con to, tỉ lệ tiền sản giật và sản giật cao, tăng tỉ lệ băng huyết sau sinh do sinh khó vì con to là những tai biến sản khoa gây tử vong mẹ. Các thai phụ mắc bệnh ĐTĐTK sẽ có khoảng 50% đến 60% sẽ chuyển thành đái tháo đường type 2. ĐTĐTK là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở thai nhi, gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh.
Ngoài ra, khi trẻ sinh ra từ các bà mẹ ĐTĐTK cũng có nguy cơ đái tháo đường về sau, cũng như có nguy cơ béo phì, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ..