Thời tiết diễn biến bất thường là yếu tố thuận lợi khiến muỗi sinh sôi phát triển và gây bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đây là bệnh chưa có vắc-xin phòng và thuốc đặc trị.
90% số tử vong do sốt xuất huyết ở phía Nam
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, năm 2017 chu kỳ bệnh SXH có sự thay đổi, bệnh đến sớm hơn chu kỳ hằng năm 2 tháng. Qua 20 năm theo dõi, số ca mắc tăng từ tháng 6-7 nhưng năm nay số ca mắc đã tăng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5. Số ca mắc bệnh SXH tại Hà Nội đã tăng 3 lần cùng kỳ năm 2016 với hơn 1.300 ca mắc, trong đó 1 bệnh nhân tử vong tại quận Đống Đa. Số mắc SXH ghi nhận rải rác trong các tháng và tăng nhanh trong những tuần gần đây. Ông Cảm cho biết thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng sau đó lại mưa ẩm ngay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Kết quả giám sát cho thấy chỉ số côn trùng tăng cao bắt đầu từ tháng 3 tại nhiều điểm giám sát trong TP. Dự báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng.
Tại hội thảo quốc tế về phòng ngừa, quản lý và kiểm soát một số bệnh do virus, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam và các nước khu vực ASEAN là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 1960 chỉ có 9 quốc gia báo cáo có bệnh SXH, đến nay số ca mắc đã tăng 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia với 3,9 tỉ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, SXH lưu hành ở 3/4 tỉnh, thành và là một trong những bệnh truyền nhiễm có số mắc cao hàng đầu với trung bình khoảng 94.000 ca mắc và 87 ca tử vong do SXH được ghi nhận mỗi năm. Cứ sau mỗi 5 năm, số ca mắc cả nước lại tăng thêm 10.000 ca. Các tỉnh, thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh SXH Dengue với 80% ca mắc và 90% ca tử vong cả nước.
Phun hóa chất tại các ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội
Sốt xuất huyết tấn công người lớn
Thống kê cho thấy tại các tỉnh phía Nam, từ năm 2015 đến nay, số mắc SXH cũng tăng cao ngay cả trong những tháng đầu năm (mùa khô), thời gian không phải mùa cao điểm của bệnh. Số liệu giám sát bệnh trong những năm qua cũng cho thấy có sự dịch chuyển về nơi mắc bệnh từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Cùng với sự dịch chuyển về nơi mắc bệnh, tuổi mắc bệnh cũng có xu hướng gia tăng. Trước năm 2007, tỉ lệ SXH ở người lớn chỉ khoảng 20%, số ca mắc đến nay đã chiếm 43%. Nếu chỉ tính riêng những tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao như trên, tỉ lệ SXH ở người lớn tăng nhanh hơn, từ 35% lên 54% theo thời gian tương ứng.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết mùa hè là mùa bùng phát của dịch SXH do mưa nhiều, không khí nóng ẩm, muỗi dễ sinh sôi phát triển. Đây là bệnh chưa có vắc-xin phòng và thuốc đặc trị. Bệnh nhân nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Một số biểu hiện của SXH gồm: sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày; đau dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể nổi mẩn, phát ban. Người bệnh ở thể nặng sẽ bị xuất huyết tại nhiều vị trí trên cơ thể như: chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết trên da; người mệt mỏi li bì, chân tay tê lạnh, đau bụng, buồn nôn.
Theo ông Phu, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch, vì thế cách phòng tránh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, bể…) hằng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Với người bị SXH, cần cho nằm trong màn, ngăn ngừa muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Đề xuất phạt tiền nếu cản trở việc phun hóa chất
Ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng khó khăn lớn trong công tác phòng chống dịch SXH hiện nay ngoài yếu tố thời tiết còn do ý thức người dân chưa cao. Khi cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, một số nhà dân không hợp tác mở cửa cho phun hay có những hành động, lời nói cản trở cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch. Qua kiểm tra tại quận Thanh Xuân, có khu vực 20% không phun được, trong đó 5% không hợp tác, 15% đi vắng. Trước thực trạng này, Hà Nội đề xuất chính quyền, nếu gia đình nào, hộ nào có nguy cơ dịch bệnh mà không hợp tác có thể xử phạt để làm gương, mức thấp nhất 200.000 đồng.