Sự việc 5 người ở Hà Nội tử vong do đuối nước mà 3 trong số này là nhóm học sinh đã gây đau xót cho dư luận những ngày qua. Trước đó, chiều 2-7, nhóm 3 học sinh của trường THCS xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội) rủ nhau ra ao làng thôn Sở Hạ để tắm rồi bị đuối nước. Phát hiện sự việc, 2 thanh niên nhảy xuống cứu nhưng bị nước nhấn chìm, tử vong. Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong do đuối nước mà nguyên nhân do trẻ rủ nhau tắm sông, chơi gần khu vực có ao hồ không may sa chân xuống hố sâu hoặc cứu bạn đuối nước đến kiệt sức...
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó, nhóm tuổi chiếm tỉ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.
Từ kinh nghiệm cấp cứu và điều trị bệnh nhân đuối nước, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, cho biết đuối nước là khi nạn nhân không thể thở được vì mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác. Khi nạn nhân đang bị đuối nước, có thể họ không kêu cứu một cách kích động hoặc không thể tạo ra bất cứ tiếng động nào, do vậy mọi người xung quanh rất dễ bỏ qua, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần.
Theo bác sĩ Chính, thông thường nạn nhân bị đuối nước khi đưa lên bờ phần lớn đã ngừng tim, ngừng thở nên vấn đề quan trọng nhất là hà hơi thổi ngạt cho đến khi có nhân viên y tế. "Nếu nạn nhân ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức, đồng thời gọi sự giúp đỡ hoặc yêu cầu người xung quanh gọi dịch vụ y tế cấp cứu. Nếu nạn nhân không đáp ứng hoặc không thở, đầu tiên cần thực hiện thổi ngạt 5 lần cho nạn nhân trước khi tiến hành hồi sinh tim phổi. Sau khi thực hiện xong 5 lần thổi ngạt cần bắt đầu hồi sinh tim phổi: cứ 30 lần ép ngực thì thực hiện 2 lần thổi ngạt, cho tới khi có sự trợ giúp hoặc nạn nhân có đáp ứng. Khi nạn nhân bắt đầu thở trở lại cần xử trí tình trạng hạ thân nhiệt bằng cách bao phủ lên người nạn nhân bằng áo và chăn ấm hoặc thay quần áo ướt bằng quần áo khô cho nạn nhân. Tiếp tục kiểm tra hô hấp, mạch và mức độ ý thức cho tới khi có sự trợ giúp tới. Không được chạy để dốc nước ra ngoài" - bác sĩ Chính khuyến cáo.
Các bác sĩ cho biết người bị đuối nước thường rất hoảng loạn nên việc tiếp cận người đuối nước phải từ phía sau, bằng cách ôm nạn nhân từ phía sau ra trước ngực để dìu nạn nhân vào. "Khi gặp một nạn nhân đuối nước, người cứu phải biết bơi mới được xuống cứu, nếu nước chảy xiết không nên liều mình nhảy xuống để cứu người" - bác sĩ Chính khuyến cáo.