- Thể tích nước tiểu giảm do đổ mồ hôi nhiều hay do uống nước ít.
- Thận bài tiết quá mức chất cặn bã axít hay canxi.
- Bài tiết bất thường khi mắc bệnh thận.
- Tác dụng của thuốc lợi tiểu, thuốc chống ung thư, thuốc kích hoạt đến mô xương.
Có 4 nhóm sỏi tiết niệu, gồm sỏi uric, sỏi canxi, sỏi oxalat và sỏi hỗn hợp. Trước kia, sau khi loại bỏ sỏi tiết niệu (bằng phẫu thuật, nội soi tán sỏi, bắn tia laser), bệnh nhân thường kiêng ăn thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhưng nhu cầu canxi cho mỗi người trưởng thành là 800-1.200 mg/ngày. Nếu kiêng ăn thực phẩm giàu canxi thì cơ thể sẽ thiếu hụt canxi, từ đó nó sẽ “thâu tóm” canxi từ mô xương dẫn đến loãng xương (xương yếu và dễ gãy).
Bệnh nhân có sỏi cấu tạo bởi axít uric nên sử dụng nước khoáng có chứa bicarbonate, ăn ít thịt. Tránh ăn nhiều lòng heo, bò, gà và sò, ốc.
Khi bị sỏi oxalat, bệnh nhân nên kiêng ăn sô-cô-la, rau dền, rau muống, mít, ca cao và trà. Nên uống 2-2,5 lít nước/ngày. Trong mùa nắng nóng, nếu đi tiểu ít là do uống chưa đủ nước, cần uống thêm nước để lượng nước tiểu từ 1 lít trở lên. Dưới đây là một số lưu ý của các nhà nghiên cứu:
- Chế độ ăn kiêng thực phẩm giàu canxi chỉ làm giảm lượng canxi trong nước tiểu trong một thời gian ngắn nhưng khi cơ thể thiếu canxi thì lượng oxalat lại tăng trong nước tiểu.
- Ở những bệnh nhân không có tiền sử sỏi tiết niệu, nếu chế độ ăn đầy đủ canxi thì sẽ ít có nguy cơ bị sỏi tiết niệu so với nhóm người có chế độ ăn nghèo canxi.
- Với chế độ ăn có đầy đủ canxi, trong lòng ruột tồn tại nhiều canxi hơn so với người kiêng canxi. Nhưng chất canxi trong ruột sẽ kết hợp với oxalat và làm giảm hấp thu canxi của ruột.
- Một chế độ ăn ít protid (chất đạm) làm giảm lượng oxalat nội sinh.
Như vậy một chế độ ăn uống đầy đủ canxi, ít protid động vật làm giảm lượng canxi oxalat trong nước tiểu và giảm đến 50% nguy cơ tái phát sỏi tiết niệu. Một chế độ ăn uống đầy đủ canxi, ít thịt, ít muối và uống nhiều nước rất thích hợp để tránh sỏi tiết niệu tái phát.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn