Theo các nghiên cứu khoa học, một khi trong khẩu phần ăn chứa ít chất xơ thì tỉ lệ ung thư ruột già gia tăng. Điều này được thể hiện qua ít nhất 2 khảo sát dưới đây:
- Trong quá trình công nghiệp hóa của nước Bỉ từ năm 1890 đến 1975, chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày của người dân Bỉ giảm dần từ 11,7 g/ngày/người (năm 1890) xuống còn 5,6 g/ngày/người (năm 1975), dẫn đến tỉ lệ ung thư ruột già tăng rõ rệt: 31,6/100.000 dân năm 1973.
- Ở Anh và Mỹ, chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày của người dân trong thế kỷ qua đã giảm từ 8,1 g/ngày/người còn 5,1 g/ngày/người (giảm 37%). Tỉ lệ tử vong do ung thư ruột già ở độ tuổi từ 35-74 tuổi là 32,6/100.000 dân ở Anh và 36,6/100.000 dân ở Mỹ.
Chất xơ là khung xương của thực vật, là phần còn lại cuối cùng mà men tiêu hóa không thể chuyển hóa được. Cấu trúc hóa học của chất xơ phức tạp và thay đổi theo từng loại thực vật nhưng gồm 4 thành phần chính là cellulose, hemicellulose, lignin và pectin. Chất xơ có 3 tính chất chính như sau: hấp thu nước; kích thích nhu động ruột; hấp thu và làm loãng chất độc trong nước.
Ở đây, tính chất thứ ba là quan trọng nhất. Khi thấm vào khối phân, chất độc nội sinh theo đó bị tống xuất ra ngoài. Chất độc nội sinh nguy hiểm hơn chất độc ngoại sinh vì nó gây độc cho niêm mạc ruột già hằng ngày. Cần nhớ rằng thời gian tồn lưu lâu dài của phân và những chất độc ngấm trong phân là những yếu tố góp phần gây viêm mạn tính và có thể phát triển thành ác tính ở ruột già.
Người cao tuổi hay bị chứng táo bón do nhu động ruột suy giảm, do uống ít nước, ăn ít chất xơ, do sử dụng nhiều loại thuốc gây táo bón như: thuốc điều trị trầm cảm, cao huyết áp, đau dạ dày... Ở những người này, không thể ăn thêm nhiều chất xơ để chữa táo bón. Nếu đã ăn thêm nhiều chất xơ mà không cải thiện được tình hình thì nên đến cơ sở y tế, đôi khi phải được can thiệp bằng ngoại khoa (phẫu thuật) mới giải quyết được.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn