05/04/2012 16:55

Sao Việt tiếc thương nhạc sĩ Thanh Sơn

(NLĐO) - Nhiều nghệ sĩ đã đến viếng nhạc sĩ Thanh Sơn, chia tay người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời nhiều ca khúc bất hủ. Trong không khí bi thương, nhiều kỷ niệm, câu chuyện về ông đã bạn bè đồng nghiệp cùng ôn lại.

Ca sĩ Hương Lan: "Yêu mãi hồn quê trong ca khúc của ông!"
 
Ca sĩ Hương Lan và NSƯT Vũ Linh với bài ca cổ "Hình bóng quê nhà" - nhạc Thanh Sơn - lời vọng cổ Viễn Châu (ảnh Thanh Hiệp)
   
Có rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn mà tôi đã trình diễn trong và ngoài nước, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Hầu hết các đêm nhạc riêng của tôi, từ liveshow cho đến những đêm nhạc chỉ mình tôi hát ở các phòng trà, sân khấu, thì đều có bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông không phải là người nhạc sĩ khó tính, chỉ mong ca sĩ hát đúng theo tình cảm mà ông đã gửi gắm vào tác phẩm.
 
Nhạc Thanh Sơn dễ hát, từ ca sĩ trẻ mới vào nghề cho đến những ca sĩ dày dạn kinh nghiệm đều có thể chọn nhạc ông. Đôi lúc tôi muốn tăng thêm độ ngân, độ luyến láy ở một số ca khúc ông viết mang âm hưởng ngũ cung, ông nghe qua có góp ý và yêu cầu cần sự tiết chế, để khi hát sẽ ngọt hơn, âm hưởng sinh động hơn.
 
Tôi gọi nhạc sĩ Thanh Sơn bằng chú, vì những năm tôi từ Mỹ về nước đầu tiên, gặp chú ở Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, nơi chú làm biên tập âm nhạc, chú cởi mở, chân thành. Cá tính Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực của chú dễ gây thiện cảm với người đối diện. Mỗi ca khúc chú viết, tôi thấy có phần hồn quê ở trong đó, gần gũi, chân tình như bụi hoa bí mới nở như lục bình khoe sắc trên sông.
 
Dòng nhạc quê hương mà nhạc sĩ Thanh Sơn để lại cho đời mãi mãi vẫn thăng hoa, những giai điệu và ca từ sống mãi ở mọi thời đại. Còn với riêng tôi, những ca khúc: Nỗi buồn hoa phượng, Nhật ký đời tôi, Lưu bút ngày xanh, Mùa hoa anh đào, Gởi cố nhân đôi lời… đã là hơi thở, là những tâm tư, tình cảm khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Vĩnh biệt chú – người nhạc sĩ, người chú thân thương của các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam.
 
NSƯT Vũ Linh: "Với nhạc sĩ Thanh Sơn, tôi có nhiều kỷ niệm khó phai!"
 
NSƯT Vũ Linh và DVD Hành trình về miền Tây gồm 12 ca khúc nhạc sĩ Thanh Sơn viết riêng cho anh

Ở một góc cạnh khác trong cách nhìn của tôi về nhạc sĩ Thanh Sơn, đó là những ca khúc ông viết mang âm hưởng ngũ cung của sân khấu cải lương, do đó rất dễ chọn viết thể điệu tân cổ giao duyên.
 
Nhờ vậy, chú Bảy Viễn Châu đã tạo nên những bài tân cổ giao duyên mượt mà, sâu lắng. Tôi đã từng ca những bài tân cổ giao duyên mà nhạc và lời vọng cổ chất chứa biết bao thâm tình, ân nghĩa ở đời. Tôi còn có một kỷ niệm khó phai với nhạc sĩ Thanh Sơn, đó là thực hiện DVD Hành trình miền Tây gồm 12 ca khúc ông viết về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Yêu cô gái Bạc Liêu, Hà Tiên yêu dấu, Áo mới Cà Mau, Chiều mưa xứ dừa… mà ông nói là viết tặng riêng cho tôi.
 
Chú Thanh Sơn đã cùng tôi quay hình DVD đó năm 2007, suốt các tỉnh và hai chú cháu đã có nhiều tâm sự, nói về nghề hát, về quan điểm sáng tác và cả những ý tứ rất riêng mà chú đưa vào ca khúc. Có lần tôi hỏi chú: “Sao trong bài áo mới Cà Mau có câu: “Mai mốt Cà Mau em tới, tuy út mà sửa soạn đẹp hơn. Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em liền”. Chú cười nhân hậu: “Cà Mau là vùng đất cuối trời, chú ví như một cô con gái út lớn muộn nhưng sẽ được sửa soạn đẹp hơn những anh trai, chị cả đã phát triển thành đô thị. Cái mộc mạc, chân quê của vùng đất ấy, mãi mãi lưu giữ hình ảnh của dòng sông, con đò và con người hiếu khách, nhân nghĩa”.
 
Tôi chợt hiểu vì sao vùng đất Cà Mau ngày nay xem bài áo mới Cà Mau như một “địa phương ca”. Chú Thanh Sơn ơi, cháu sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp của chú cháu trên bến phà An Hữu, trên con đường đất vào ao bà Om Trà Vinh và tiếng giã nếp làm cốm dẹp ở Bến Tre khi trời hừng sáng…Tất cả những hình ảnh đó mãi mãi ở trong tâm tưởng và trái tim của cháu. Vĩnh biệt chú!
 
Ca sĩ Phương Dung: "Lời ca của ông giàu chất thơ!"
 
Ca sĩ Phương Dung - "nhạn trắng Gò Công"

Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn và điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc. Vì khi ấy mình mới giã từ đời áo trắng, khi mà hè sang, phượng nở, bạn bè rồi chẳng gặp nhau... thì âm nhạc của ông nói hộ niềm tâm tư đó. Nỗi buồn mà tôi say đắm nhất khi hoài niệm về mùa hè của tuổi học học trò, đó là những điều ông viết trong bài Lưu bút ngày xanh. Ngoài đề tài học trò, tôi còn thích nhạc sĩ Thanh Sơn ở một số chủ đề khác, như những ca khúc trữ tình ca ngợi mùa xuân, quê hương, đất nước:

Mùa xuân sang có hoa anh đào
Màu hoa tôi trót yêu từ lâu...
(Mùa hoa anh đào)
Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan
Tiếng pháo vui vang đó đây nghe rộn ràng
... (Đoản xuân ca)

Độc đáo nhất là những bài ông viết theo điệu bolero:

Ngược thời gian trở về quá khứ
Phút giây chạnh lòng
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình
Chỉ còn lại con số không
(Nhật ký đời tôi)
 
Đối với tôi, đó là một trong những bài bolero hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Lời ca ông viết bao giờ cũng giàu chất thơ. Xin thắp nén hương lòng vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Sơn, âm nhạc của ông mãi mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ ca sĩ khi ngợi ca quê hương, đất nước và tình yêu chung thủy.
 
Ca sĩ Giao Linh: "Thương một trái tim chung thủy!"
 
Ca sĩ Thạch Thảo, Hương Lan, Giao Linh và Trung Hậu trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn 15-6-2007 tại Nhà hát TP (ảnh Thanh Hiệp)
 
Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn (ảnh Thanh Hiệp)
 
Năm 2007, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM đã tổ chức đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn trong chủ đề định kỳ hằng tháng “Những ca khúc vượt thời gian” tại Nhà hát TP. Khi ấy, tôi được anh giao hát bài Nhật ký đời tôi.
 
Nhiều lần gặp khi trên sàn tập, tôi thường chọc Thanh Sơn: “Trái tim anh yêu nhiều quá, nhật ký nào mà chứa cho hết!”. Anh cười mộc mạc: “Coi vậy chứ chỉ yêu mỗi một hình bóng thôi. Đó là bà nhà tôi, người đứng sau thành công, vui buồn, thăng trầm trong đời nhạc sĩ”.
 
Thật vậy, tôi biết anh từ lúc còn trẻ, gắn bó với dòng nhạc anh viết như thể anh em thân tình, chia sẻ và thấu hiểu nhau. Chị nhà là người anh yêu, nâng khăn sửa túi, lo lắng cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ.
 
Chị là người phụ nữ Nam Bộ đúng nghĩa mà anh thường nói: “Nếu không có bả, tôi khổ lắm!”. Trong giới sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn sống chừng mực, nghiêm túc. Bao giờ gặp anh ở quán cà phê Thiên Thai trên đường Võ Văn Tần, nơi mà các nhạc sĩ thường ngồi trò chuyện mỗi buổi sáng, thì lúc nào ông cũng áo sơ mi bỏ vào quần nghiêm túc. Nghe những điều không phải từ cách sống, cách đối xử trong hậu trường văn nghệ, anh không giận, chỉ nói nhỏ: “Nhiều khi hoàn cảnh buộc người ta phải xử sự thế. Thôi kệ!”. Và tôi chưa bao giờ nghe anh phàn nàn một ai...
 
Ca sĩ Thanh Thúy: "Chú Thanh Sơn là nhạc sĩ đầy nhân cách!"
 
Các ca sĩ Trang Mỹ Dung, Phương Thanh, Đình Văn, Thanh Thúy trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn (ảnh Thanh Hiệp)
 
Tôi có mặt trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn do Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM tổ chức ngày 15-6-2007, khi đó tôi được chú giao hát song ca với nghệ sĩ Trọng Phúc bài Hương tóc mạ non. Đêm nhạc đó thật sự cảm động và tôi đã ở lại để xem cho đến khi kết thúc chương trình vì mỗi ca khúc chú đã kể về kỷ niệm nào khiến mình viết nên giai điệu và ca từ đó.
 
Những năm trước khi một số ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép phổ biến. Một số ca sĩ đã nhầm tưởng bài Mấy nhịp cầu tre là của chú. Khi đi hát vẫn thường giới thiệu trước khán giả là của nhạc sĩ Thanh Sơn. Gặp tôi chú nói: “Cháu đi hát có gặp ca sĩ nào hát bài này, xin hãy đính chính dùm không phải là của chú mà của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ”. Hôm nay, nhắc lại những điều này thì chú đã mãi mãi ra đi. Con tim nhân ái đó đã ngưng đập, nhưng những giai điệu đẹp mà chú ngợi ca quê hương sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc.
 
NS Vũ Luân: "Nhớ những tâm sự ấm tình người của chú!"
 
NS Vũ Luân và nhạc sĩ Thanh Sơn trong đêm nhạc vinh danh ông tại Nhà hát TP (ảnh Thanh Hiệp)
 
Cũng trong đêm vinh danh nhạc sĩ Thanh Sơn tại Nhà hát TP, tôi đã ca bài tân cổ giao duyên Nỗi buồn hoa phượng mà soạn giả Viễn Châu sáng tác tân cổ giao duyên. Đêm đó, gặp tôi và nói lên suy nghĩ của mình về bài tân cổ đó, chú bảo: “Anh Bảy Bá quả là người bắt gặp sự đồng điệu của chú. Anh Bảy ở Trà Vinh, chú ở Sóc Trăng, còn con là dân Sài Gòn chính hiệu nên ca bài này nghe mát dạ làm sao”.
 
Tôi còn có một kỷ niệm mà bản thân một nghệ sĩ trẻ khi lấn sân qua ca nhạc đã được chú nhắc nhở: “Cháu đừng để bị lai cải lương, nhất là khi ngân, luyến cần sự dứt khoát, mạnh mẽ. Câu ca trong nhạc khác với cổ ở chỗ phát âm chuẩn giọng Bắc, đúng chính tả, còn nét ngân, luyến cũng cần tiết chế!”. Một lần tôi thực hiện live show, đến nhà xin chú văn bản bài hát, chú tặng tôi một quyển tập nhạc 500 bài hát của chú và dặn: “Anh em nghệ sĩ nào muốn có bài của chú thì con hãy cho mượn photo, chú sợ ai hát quên lời mà bịa ra thì tội nghiệp chú!”.
 
Một lần chú điện thoại phàn nàn với tôi: “Cháu ơi, hôm qua xem tivi thấy một nhóm hài sửa lời ca của bài Hương tóc mạ non, chú nghe mà xót xa quá. Đời thuở nào nghệ sĩ đó dám hát: “Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì nhà em nuôi chó, chó già mà còn sân si, nó cắn anh rách ba cái quần”. Tôi nói: “Con thay mặt các nghệ sĩ sân khấu xin lỗi chú, nếu có gặp nhóm hài đó, con sẽ chuyển lời của chú”. Nghe xong chú cười: “Thôi, nói với con cho có người chia sẻ, chứ trách nó nhiều khi cũng tội. Vì dân gian đặt lời hai, lời ba cho ca khúc là chuyện thường. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hồi đó có bài Gạo trắng trăng thanh, cũng bị "biến hóa": “Ai đang đi trên cầu bông, té xuống sông ướt cái quần ni lon”…rồi chú lại cười.
 
Tôi thương tiếc chú vì một nghĩa tình rất cao đẹp của người nghệ sĩ Nam Bộ. Với tôi, những lời dạy của chú mãi mãi sống trong lòng tôi và theo tôi đến hết cuộc đời này.
      
Ca sĩ Quang Thành: "Nhạc ông an ủi những tâm hồn xa quê!"
 

Tôi có nhiều cơ hội thể hiện ca khúc của ông trên sân khấu hải ngoại. Tôi nhớ mãi suất hát ở San Jose, khi tôi hát bài Hình bóng quê nhà rất nổi tiếng của ông, một bác khán giả lớn tuổi sang Mỹ định cư đã 40 năm, xúc động cầm tay tôi và nói: "Quê của bác ở Hà Tiên, nghe bài hát này nhớ quê quá". Trên suốt quãng đường lưu diễn ở nhiều tiểu bang, tôi đã hát nhiều ca khúc của ông, những ca khúc mà hình ảnh gợi cảm, ngôn từ được chọn lọc nhưng hết sức mộc mạc, trữ tình
 
Tôi và ca sĩ Kim Anh có một lần biểu diễn tại Nhà hát TP (chương trình Những ca khúc vượt thời gian) cũng song ca bài Hình bóng quê nhà. Không ngờ đêm đó nhìn xuống khán phòng có nhiều khán giả hát theo. Ca khúc của ông dễ thuộc, dễ đi vào lòng người và từ đó là nhịp cầu thân thương để người Việt xa xứ thấy mình ở gần quê nhà hơn. Tôi về nước lần này tham gia đêm nhạc Quê hương – Giấc mơ tại Nhà hát Hòa Bình, hay tin ông qua đời ngay ngày đầu tiên đặt chân đến TP. Tôi xót xa và bùi ngùi quá. Dù chưa một lần được diện kiến ông, nhưng âm nhạc ông để lại cho đời bỗng thân quen như chính hơi thở của mình. Ông sẽ sống mãi với thời gian, với quê hương...
    
Ca sĩ Thái Châu: "Ca khúc của ông sẽ sống mãi!"
 
Ca sĩ Thái Châu, Đông Đào và Chế Phong chụp ảnh lưu niệm với nhạc sĩ Thanh Sơn trên sàn tập tại Nhà hát TP (ảnh Thanh Hiệp)
 
Ngoài nhạc về miền Nam, qua theo dõi những sáng tác của ông, tôi còn thích ông viết một số bài ca ngợi các miền đất khác như bài Non nước hữu tình (miền bắc), Trở lại thành phố sương mù, Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (miền Trung), Quê hương 3 miền (cả 3 miền).
 
Theo tôi, người có tâm hồn yêu quê hương như ông mới viết nên những giai điệu mang sự đặc trưng riêng của mỗi niềm đất nước và sự nghiên cứu, tìm tòi của ông mới lột tả hết được tố chất, nét đặc trưng của từng vùng miền. Theo tôi, trong suốt thời gian từ 1970 - 1990, nhạc sĩ Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ năng nổ nhất của miền Nam với những bài nhạc ca ngợi quê hương. Từ nền tảng đó, nhiều nhạc sĩ trẻ sẽ học theo để viết và nhân rộng hiệu quả sáng tác về dòng nhạc này.
     
Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa đã cho cuộc đời này rất nhiều hương vị đẹp, để những ca khúc đó không bao giờ lạc phai trong tâm thức người dân Việt, yêu ngôn ngữ Việt...
thanhhiep
từ khóa :
Bình Thuận chuyển mục đích hơn 19,7 ha đất rừng nâng cấp Quốc lộ 28B

Bình Thuận chuyển mục đích hơn 19,7 ha đất rừng nâng cấp Quốc lộ 28B

Thời sự 09:34

(NLĐO) – Chủ trương chuyển hơn 19,7 ha đất rừng được thông qua để phục vụ việc thi công nâng cấp Quốc lộ 28B qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn cao nhất 1 tháng qua

Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn cao nhất 1 tháng qua

Kinh tế 09:19

(NLĐO) - Mỗi lượng vàng miếng SJC, vàng nhẫn 99,99 lên tới 86 triệu đồng, cao nhất trong khoảng 1 tháng qua.

Giá xe điện mini mới của VinFast "ăn đứt" các đối thủ cùng phân khúc?

Giá xe điện mini mới của VinFast "ăn đứt" các đối thủ cùng phân khúc?

Kinh tế 09:10

(NLĐO) - VinFast tuyên bố mẫu xe điện Minio sinh ra để thay thế xe máy nên sẽ có mức giá rất hợp lý.

Giá cà phê hôm nay 10-1: Những câu chuyện 50 năm mới diễn ra một lần

Giá cà phê hôm nay 10-1: Những câu chuyện 50 năm mới diễn ra một lần

Kinh tế 09:07

(NLĐO) – Giá cà phê hôm nay tăng trở lại ở cả 2 sàn và giới kinh doanh nhận định thị trường cà phê đang ở giai đoạn hiếm có trong lịch sử.

Chuyện lạ ở một khu nhà nhà trọ công nhân

Chuyện lạ ở một khu nhà nhà trọ công nhân

Lao động 09:02

(NLĐO) - Bà chủ nhà trọ chuẩn bị 6 bàn tiệc, trong đó 4 bàn dành cho người lao động ở trọ, 1 bàn dành cho khách mời và 1 bàn cho hàng xóm.

Đi lại dịp Tết đã "nóng" lên

Đi lại dịp Tết đã "nóng" lên

Thời sự 08:58

Nhiều hãng xe "cháy" vé, vé máy bay cao chót vót là 2 trong nhiều chỉ báo về nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay đang nóng lên từng ngày

West Ham và Everton sa thải HLV trưởng, sân cỏ nước Anh "nóng" giữa mùa Đông

West Ham và Everton sa thải HLV trưởng, sân cỏ nước Anh "nóng" giữa mùa Đông

Thể thao 08:56

(NLĐO) - Graham Potter đồng ý gia nhập West Ham thay thế Julen Lopetegui, David Moyes có thể sẽ tiếp nhận ghế nóng tại Everton.