05/05/2012 07:30

NSND Hồng Vân: "Tôi luôn máu nghề!"

(NLĐO) - Khách mời của "Cà phê với sao" tuần này là NSND Hồng Vân - người trẻ nhất của giới sân khấu miền Nam vừa được trao danh hiệu NSND. Ngoài những chia sẻ về tâm huyết trong nghề, nữ nghệ sĩ nổi danh của làng giải trí Việt không ngại bộc bạch chuyện về chồng con.

Bất ngờ khi nhận giải
                              
*Đón nhận danh hiệu NSND ở tuổi còn khá trẻ, chị có cảm xúc gì?
                                                                                                                                 
- Đây là lần đầu tiên tôi làm thủ tục xét tặng danh hiệu NSND. Tôi cứ nghĩ mình sẽ rơi vào trường hợp của NSƯT Thành Lộc cách đây 5 năm, nghĩa là đủ thời gian cống hiến nhưng chưa đủ chuẩn. Tin đoạt danh hiệu đã làm tôi hết sức bất ngờ.
 
NSND Hồng Vân rạng rỡ ngày đón nhận danh hiệu tại Hội trường TPHCM (ảnh Thanh Hiệp)
                                         
Tôi nghĩ mình được nhận danh hiệu là nhờ sự yêu thương của công chúng, sự công nhận của xã hội. Tôi chưa dám nghĩ tới việc sẽ gắn thêm vào tên mình danh hiệu này khi còn nhiều cô chú, anh chị xứng đáng hơn tôi. 
                                                                                                    
*Chị chuẩn bị gì để đối diện áp lực do danh hiệu NSND mang lại?
                                                
- Tôi không có khái niệm đối phó trong cuộc đời mình. Nói thật, việc gì đến thì tôi làm và làm một cách nhiệt tâm sau đó dành thời gian để lo cho gia đình, con cái, công việc. Nếu cứ tính toán đối phó thì mệt lắm!
                                         
 
*Nhiều người trong giới nói đùa: “nhận danh hiệu NSND gần như tới tuổi về hưu”, chị nghĩ sao?
 
- Tôi hiểu hai chữ “về hưu” còn được biết đến với “hưu già” hay “hưu non”. Nếu mình ngủ quên trên chiến thắng, say sưa với danh hiệu thì sẽ “hưu non” trong lòng công chúng. Tôi sợ lắm khi nghe ai đó nói câu: “Sao từ lúc lãnh danh hiệu NSND chị diễn dở quá, dựng dở quá?”. Tôi nỗ lực hết mình để đừng nghe những lời nhận xét như thế.
Nếu gặp phải áp lực trong công việc sau danh hiệu NSND thì tôi cố gắng tăng năng lực của mình lên đến gấp 2, 3 lần. Hiện tại tôi tranh thủ hoàn thành tốt công việc của Hội Sân khấu TPHCM. Trong giới sân khấu vẫn còn nhiều nỗi lo như việc mỗi tháng Ban ái Hữu của Hội phải tìm đủ số tiền chăm lo cho đời sống hàng trăm công nhân hậu đài, nghệ sĩ già neo đơn và cả đời sống của Khu dưỡng lão nghệ sĩ nữa...
                                                        
*Ở cả miền Nam chị là người trẻ nhất đoạt danh hiệu NSND, có khi nào chị nghĩ mình tài giỏi hơn các đồng nghiệp khác?
                                                                      
- Không, tôi nghĩ mình đã nhận được sự đãi ngộ từ chính sức lao động, nỗ lực và ý chí phấn đấu của tôi. Ngày trước, vào lớp học diễn viên, những người thầy mà tôi học đã từng dạy: “Hãy bỏ những chiếc giày bên ngoài thánh đường”. Nghề diễn viên là đi đường trường không thể lấy những thành quả của giai đoạn này áp đặt vào tương lai như một người nghiện hào quang đã xa. Tôi không dám vỗ ngực xưng danh mình tài giỏi hơn ai hết, chỉ biết công việc đến thì làm và hết sức đừng để lệch hiệu quả. Và danh hiệu NSND với tôi ở giai đoạn này chưa là điểm dừng lại.
 
*Hiện giữ chức phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, sau danh hiệu NSND chị có nhiều khả năng lên chức?
                                
- Trên thực tế tôi cảm kích trước sự tín nhiệm của tập thể đồng nghiệp dành cho mình. Và tôi cũng đã nhiều lần trình bày với ban chấp hành Hội Sân khấu TPHCM, rằng tôi chỉ muốn được làm chuyên môn, công tác quản lý Hội khác với việc quản lý một nhà hát. Do vậy tôi sẽ không làm chủ tịch Hội nếu được đề cử, để toàn tâm lo cho sân khấu với vai trò đạo diễn, diễn viên và một tổ chức.
 
*Một số người cho rằng nghệ sĩ được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) cũng không làm được gì, chị nghĩ sao?
                                                                                             
- Lúc được đề nghị tham gia ứng cử HĐND, lòng tôi nặng nhiều thứ. Bởi tôi không bao giờ nghĩ mình có thể đảm đương vai trò này cũng như am hiểu vấn đề chính trị để ngồi vào bàn nghị sự. Nhưng được sự thuyết phục của lãnh đạo, tôi lại tham gia ứng cử với mong muốn góp tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của người nghệ sĩ. Buổi họp mặt cử tri dầu tiên, tôi đã nói rất nhiều vấn đề cần phải làm cho sân khấu, cho đời sống anh em nghệ sĩ...
                                                                       
Nhưng đến kỳ họp đầu tiên, tôi đã nghe nhiều vấn đề còn lớn hơn cả những bức xúc của mình. Đó là vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân nghèo, nhất là công nhân lao động. Lúc đó, tôi hiểu được cuộc sống của người nghệ sĩ hôm nay, nếu nhìn lên có thể không bằng các nước khác nhưng nhìn xuống đã hơn quá nhiều người. Bây giờ mà đứng lên để đòi hỏi quyền lợi của nghệ sĩ thì tôi cảm thấy nó xa xỉ, lạc lỏng quá.
       
Viên mãn với chồng, con
 
*Là một người "đa đoan", chị tính toán thời gian cho gia đình thế nào? 
                                                                                                                
- Tôi không có thời gian để nấu ăn như những phụ nữ khác và cũng không hoạch định trước kế hoạch nào cho gia đình, nhưng hễ có thời gian rảnh thì cả nhà lại đi ăn, mua sắm, thư giãn. Hạnh phúc của người đa đoan đôi lúc đơn giản lắm, với tôi có khi ngồi bên chồng con, ăn một ly kem cũng cảm thấy hài lòng.
                                                                                                                                          
Cuộc sống gia đình tôi giờ đã viên mãn và chỉ mong những gì đã có thì sẽ giữ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Tôi không còn ước mơ gì nữa mà chỉ muốn hướng tới công việc đang đến và cố gắng thực hiện những điều mình trăn trở cho cuộc sống cộng đồng với vai trò một người nghệ sĩ đã được cử tri tin yêu bầu vào HĐND.
 
 NSND Hồng Vân và ba con  (ảnh Thanh Hiệp)
 
*Theo chị, hạnh phúc trong nghề nghiệp khác với hạnh phúc gia đình ở điểm nào?
                                                        
- Cả hai đều thúc đẩy con người phấn đấu làm việc. Hạnh phúc nghề nghiệp làm cho tôi thăng hoa hơn trong diễn xuất, tôi sợ sự lười biếng và chay lì cảm xúc. Còn hạnh phúc gia đình cho tôi sự yên tâm để đi tới, vì tôi biết nếu mình có ngã thì phía sau cũng có một mái ấm để tựa vào.
                                                                              
*Ba người con của chị có ý hướng theo nghề của cha mẹ không?
                                                                                                                                  
- Các cháu đều mê nghề diễn. Tuy nhiên, đã qua rồi thời ỷ lại kiểu con nhà tông và tất cả phải được đặt trên nền tảng vững chắc về mặt kiến thức, có hành trang vào nghề, vào đời vững vàng. Tôi cố gắng lo cho Xí Ngầu (Nguyễn Ngô Hoàng Châu) du học sang Mỹ, học Trung học nghệ thuật. Sau này cháu sẽ vào đại học và chọn khoa kịch nghệ. Hôm tôi sang Mỹ thăm con, tôi có đến xem cháu tập, quả thật rất khó nhưng tôi tin sự rèn luyện sẽ giúp cháu tiến nhanh.
 
NSND Hồng Vân và con trai đến dự buổi triển lãm ảnh của đạo diễn Đoàn Khoa  (ảnh Thanh Hiệp)   
 
*Ông xã chia sẻ với chị thế nào trong nghề nghiệp và cuộc sống?
            
- Một thời gian dài doanh thu của Nhà hàng Ngã ba sông đã bù lỗ cho sân khấu kịch Phú Nhuận và cả sân khấu Supper Bowl. Anh ấy luôn động viên tôi và rất cảm thông, chia sẻ cho những lo lắng của tôi. Dường như hiểu được vì cùng làm nghề, nên chỉ cần một thoáng buồn của tôi anh ấy cũng đoán biết.
                     
*Gia đình nào cũng có những lúc sóng gió, những khi đó chị chống chọi như thế nào?
         
Vợ chồng tôi hiểu nhau nên dễ cảm thông, tha thứ và chia sẻ. Cũng có lúc mệt mỏi với công việc nhưng chúng tôi không bao giờ trút điều đó lên mái ấm gia đình mình. Về đến nhà, tôi vứt tất cả gánh nặng đó bên ngoài. Bạn có biết khi tôi tính toán tiền nong, cân đong sự thua lỗ, lãi lời của hoạt động sân khấu, đều cố gắng không để các con biết.
                                         
  NSND Hồng Vân và chồng - NS Lê Tuấn Anh  (ảnh Thanh Hiệp)
Nhớ hoài xấp vải tặng mẹ
                                                                                                                                              
*Ngày trước chị có hay tâm sự mọi chuyện với mẹ?

- Ngày trước, nhận thức của bản thân tôi về mọi vấn đề chung quanh không được cập nhật như trẻ em bây giờ. Hơn nữa thời điểm lúc tôi còn nhỏ, thông tin, sự kiện không nhiều như ngày nay nên những câu hỏi thắc mắc dành cho mẹ tôi cũng ít.
*Xí Ngầu sống xa mẹ, chị làm thế nào để chia sẻ với cháu tâm tư, tình cảm? 
                                  
- Dù đang du học nhưng sáng nào hai mẹ con cũng điện thoại nói chuyện với nhau từ 5 đến 10 phút. Cháu không có gì giấu mẹ. Vui lắm, khi con tôi được giao vai kịch trong trường, cháu tưởng mẹ mình giỏi nhất trên đời, cái gì cũng làm được nên đã gửi email về đề nghị mẹ đọc kịch bản và đề nghị tôi chuốt lại. Ngay cả chuyện tình cảm hoặc những suy nghĩ thầm kín cháu cũng nói cho tôi biết. Ngay cả với Trê Phi (Nguyễn Hoàng Khôi Nguyên đang học lớp 9) cũng vậy.
                                   
Thời của mẹ tôi, sự quan tâm lớn nhất là lo bữa ăn hàng ngày, việc đi học thêm là xa xỉ. Lo đủ chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn đã là may mắn. Có lẽ vì thế tôi thương cha mẹ của tôi rất nhiều. Vì dù cực nhọc đến mấy vẫn để các con ăn no, mặc ấm và được đến trường.
                                                                               
* Chị còn nhớ cảm giác lần đầu tiên làm ra tiền, mua quà tặng mẹ bằng chính đồng tiền làm được?
          
- Nhớ chứ, đó là cái hồi tôi học lớp 11. Sinh hoạt CLB kịch ở Nhà văn hóa Bình Thạnh, tôi học ở Trường Lê Quí Đôn. Đó là lớp năng khiếu đầu tiên tôi học và đã được chọn diễn vở Cầu hôn. Lúc đó hai nghệ sĩ Huy Thống và Phương Sóc làm chủ nhiệm. Sau khi tốt nghiệp lớp năng khiếu đó, vở kịch đã được mời đi diễn khắp nơi trong quận.
                  
Tôi có hai anh bạn diễn là anh em ruột, người anh ban ngày làm thợ mổ heo, người em chạy xe ôm. Thế nhưng tối đến khi rạp Gia Định sáng đèn, thì họ là diễn viên chính. Vở kịch của chúng tôi đã được đánh giá là góp phần gầy dựng, phát triển phong trào kịch nói quần chúng của Bình Thạnh. Ngày lãnh được tiền bồi dưỡng của các phường tặng CLB kịch, tôi đã mua tặng mẹ tôi xấp vải may áo dài. Mẹ tôi xúc động lắm!
                      
Dốc lòng lo nồi cơm 2 sân khấu                       
                    
*Kinh tế hiện khó khăn chung, 2 sân khấu của chị có bị ảnh hưởng?
                                                                     
- Khủng hoảng kinh tế chung nên chuyện ảnh hưởng không tránh khỏi, khán giả ngày nay xem kịch cũng rất khó tính chứ không phải vở nào cũng xem. Vì thế, chúng tôi phải đầu tư vở mới và đảm bảo chất lượng từng đêm diễn. Điều tôi lo hiện tại là phân khúc nghệ sĩ khi phim truyền hình "túm" gần như tất cả các diễn viên. Họ bị chi phối từ phim nhựa, phim truyền hình đến các game show, tôi cho rằng sân khấu TPHCM đang khủng hoảng nguồn nhân lực cứng nghề.
                                                                                                                                   
Điều tôi lo nữa là mô hình sân khấu xã hội hóa tại TPHCM gầy dựng nhiều năm qua sẽ bị thoái trào trước sự suy thoái kinh tế chung. Tôi mong TPHCM có chiến lược cụ thể để hỗ trợ các sân khấu xã hội hóa. 
 
NSND Hồng Vân và NS Lương Mỹ trong vở Con nhà nghèo (ảnh Thanh Hiệp)
 
*Đa đoan nhiều việc, có bao giờ bước ra sân khấu chị quên tuồng, phân tâm?
                 
- Không, tôi là người nhắc tuồng cho các diễn viên vì tôi xếp lịch diễn mỗi tuần. Vở nào, diễn vai gì bản thân tôi đều biết và thuộc để còn quản mọi việc.
                                                                          
Khi ra sân khấu, tôi quẳng hết mọi lo toan ở hai cánh gà và toàn tâm cho vai diễn. Có những lúc bên ngoài sân khấu chị Dậu khóc nức nở nhưng vào trong cánh gà đã phải tính toán tiền vé, đôn đốc cảnh trí, giải quyết nhiều công việc không tên của một sân khấu... 
                               
*Có vai diễn nào là số phận thực sự của chị ở đời thường?
                      
- Chưa, tôi vẫn đang đi tìm. Trong những thân phận mà tôi đã diễn, thì có những cảm xúc mà chính tôi đã trải nghiệm qua hoặc đã gián tiếp biết đến khi đọc sách, đọc báo. Cuộc đời đôi lúc là một vở kịch mà vở kịch là những lát cắt của cuộc đời.
                                                                                                 
*Chị có lời khuyên nào cho những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề?
                                                                                                                                       
- Tôi luôn nói với các diễn viên của Kịch Phú Nhuận và Supper Bowl rằng đừng nói yêu nghề bằng cửa miệng mà phải thực sự "máu" nghề. Khi cơn lốc phim đổ ập đến, lúc đó tôi khủng hoảng lắm, vì ba sân khấu phải thay vai liên tục trong thời gian ngắn, làm sao mình chấp nhận nói chi đến khán giả. Nhưng lúc đó tôi mới thật sự biết diễn viên nào yêu nghề đúng nghĩa.
                                                        
Ngày xưa, tôi nổi tiếng là nữ hoàng chạy sô. Bầu sô phải theo lịch của tôi dù chỉ là diễn tấu hài. Thế nhưng khi 5B xếp lịch diễn vở Dạ cổ hoài lang, Chuyện lạ, Ngôi nhà không có đàn ông…thì dù tôi đang ở Hà Nội hoặc Đà Nẵng, vẫn bỏ tiền túi mua vé máy bay về để diễn, rồi lại bay ra. Tôi xác định rất rõ đâu là nơi mình làm nghề và không thể vì đồng tiền mà phụ lòng những người đã tin yêu mình. 
            
NSND Hồng Vân và cố NS Kim Ngọc trong những năm đầu gầy dựng sân khấu Kịch Phú Nhuận  (ảnh Thanh Hiệp)
                          
*Cơ chế thị trường hiện nay e rằng nghệ sĩ trẻ khó bỏ qua cơ hội đóng phim để toàn tâm toàn ý với sân khấu?
 
- Tôi không lên án khi diễn viên nào cũng có gia đình, có cuộc sống và có cơ hội. Nhưng tôi mong các em chọn lựa để biết đâu là nơi mình phấn đấu cho nghề vì kiếm tiền đâu phải là mục đích của nghệ thuật. Tôi rất nể Trịnh Kim Chi. Cô diễn viên này có tên tuổi, đang được nhiều hãng phim mời, nhưng có lịch diễn là cô tự lái xe, có khi từ Lâm Đồng về TPHCM diễn một vai phụ, lãnh chỉ vài trăm ngàn đồng. Tôi nghĩ đó mới là một người yêu nghề thật sự.
               
*Năm nay, 2 sân khấu của chị có tham gia Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Huế?
                                                                     
- Nếu không có hội diễn thì chúng tôi vẫn phải dựng kịch mới để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Trong kế hoạch của Kịch Phú Nhuận chúng tôi sẽ ra mắt vở kịch Làm đĩ của tác giả Chu Thơm, dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng do tôi đạo diễn. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ kinh phí thì làm sao có thể tham gia khi chi phí vận chuyển cảnh trí, diễn viên rất cao. Và khi không có sự hỗ trợ thì chúng tôi sẽ xin vắng mặt trong mủa hội diễn này. Trên thực tế lo cho nồi cơm của từng ấy con người ở hai sân khấu đã quá đuối. 
 
NSND Hồng Vân trong một vở hài kịch miền Bắc (ảnh Thanh Hiệp)
 
Với Liên hoan sân khấu dành cho đạo diễn trẻ toàn quốc 2012 ở TPHCM thì chúng tôi phải tham gia. Hiện nay có hai vở dành cho hai đạo diễn trẻ, đó là Hạnh Thúy và Xuân Trang. Cả hai đang chọn kịch bản và lên kế hoạch dàn dựng.
 
"Tôi không bỏ đề án kịch tiếng Anh!"
                                              
Sân khấu Supper Bowl tọa lạc quá xa trung tâm. Các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến tham quan TPHCM phải đi theo lộ trình, khi đến sân khấu xem kịch thì phải dùng bữa. Trong khi đó tôi không thể kham nổi việc thầu luôn cả phục vụ ẩm thực cho khách du lịch. 
 
Hơn nữa lượng khách Tây Âu ngày càng giảm, mà khách Châu Á ngày càng đông. Họ vào xem kịch tiếng Anh thì cũng giống như ông bà cụ nhà mình qua London xem nhạc kịch, có hiểu được gì đâu. Thế là đành thôi. Nhưng theo tôi thì không "đánh trống bỏ dùi" đâu vì TPHCM đã có chủ trương xây dựng khu Văn Thánh thành điểm đến du lịch và xem nghệ thuật.
 
Tôi vẫn còn "máu" với đề án này lắm và sẽ bám theo để biến nó thành hiện thực. Bởi, đến một đất nước để tham quan, việc đầu tiên là phải xem các chương trình nghệ thuật để hiểu thêm về văn hóa của một dân tộc. Trong khi thành phố của chúng ta lại yếu về mặt xây dựng sân khấu dành cho du lịch.
 

                                                      
Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành
 
thanhhiep
từ khóa :
Một trại nuôi heo bị phạt 400 triệu đồng

Một trại nuôi heo bị phạt 400 triệu đồng

Thời sự 11:17

(NLĐO)- UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt một trang trại heo số tiền 400 triệu đồng do có hành vi xả thải ra môi trường

Đường dây rửa tiền, lừa đảo qua mạng vô cùng tinh vi

Đường dây rửa tiền, lừa đảo qua mạng vô cùng tinh vi

Đông Nam Bộ 11:15

(NLĐO) - Các tài khoản trên chủ yếu hoạt động giao dịch liên quan đến tiền lừa đảo qua không gian mạng và đã bị công an phát hiện.

Michelin gợi ý những món cà phê nhất định phải thử khi đến Việt Nam

Michelin gợi ý những món cà phê nhất định phải thử khi đến Việt Nam

Kinh tế 11:10

(NLĐO) – Nhiều món cà phê người tiêu dùng Việt chưa biết hết nhưng các chuyên gia ẩm thực quốc tế lại đánh giá rất cao

Lỡ ăn nhiều chất béo, hãy uống ngay thứ này

Lỡ ăn nhiều chất béo, hãy uống ngay thứ này

Sức khỏe 11:07

(NLĐO) - Các nhà khoa học Anh chỉ ra cách thú vị để làm giảm tác động tiêu cực của những bữa ăn nhiều chất béo.

Triển khai xác thực khách hàng số tại các cơ sở cầm đồ ở TP HCM

Triển khai xác thực khách hàng số tại các cơ sở cầm đồ ở TP HCM

Tài chính – Chứng khoán 11:01

Việc xác thực thông tin khách hàng vay cầm cố tài sản dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xem là một bước tiến lớn đối với các cơ sở cầm đồ

Siberian Wellness nhận Giải Saigon Times CSR 2024, khẳng định cam kết phát triển bền vững

Siberian Wellness nhận Giải Saigon Times CSR 2024, khẳng định cam kết phát triển bền vững

Hoạt động cộng đồng 10:50

Đây là lần thứ ba liên tiếp, Siberian Health Quốc tế (phân phối Siberian Wellness tại Việt Nam) nhận giải "Doanh nghiệp Vì Cộng đồng – Saigon Times CSR 2024".

Ajinomoto Việt Nam ra mắt hạt nêm Aji-ngon® Heo Giảm Muối mới

Ajinomoto Việt Nam ra mắt hạt nêm Aji-ngon® Heo Giảm Muối mới

Tiêu dùng 10:48

Hạt nêm Aji-ngon® Heo Giảm Muối mới góp phần tạo nên thói quen ăn uống lành mạnh cho người tiêu dùng Việt Nam