Ngày 25-6, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - giám đốc Bảo tàng Phú Yên đã có đơn khiếu nại gửi đến các ngành chức năng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân vì vi phạm bản quyền tác giả.
Quyển “Di sản văn hóa Phú Yên” (trái) bị cho là lấy cắp rất nhiều từ
quyển “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” (phải)
Theo đơn khiếu nại, tác phẩm bị cho là đã “sao chép nguyên văn” các công trình và tác phẩm do Bảo tàng Phú Yên thực hiện là quyển “Di sản văn hóa Phú Yên” của thạc sĩ Lê Thế Vịnh được Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Phú Yên hỗ trợ in tại NXB Thuận Hóa vào cuối năm 2011.
Theo bà Hoa, trong quyển sách 384 trang này, phần lớn được sao chép từ tác phẩm “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” của bà được in vào năm 2007 tại NXB Văn hóa- Thông tin Hà Nội và hồ sơ lý lịch một số di tích cấp quốc gia cũng như 18 di tích cấp tỉnh ở Phú Yên do Bảo tàng Phú Yên thực hiện.
“Rất nhiều đoạn ông Vịnh đã bê nguyên xi tác phẩm của tôi cũng như công trình của Bảo tàng Phú Yên để đưa vào tác phẩm của mình mà không thấy ngượng!” - bà Hoa bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên bức xúc vì cho rằng nhiều nội dung công trình của mình bị “đạo”
Bà Hoa lấy ví dụ về truyền thuyết hang sư tử tại thắng cảnh cấp quốc gia gành Đá Dĩa trong tác phẩm “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn”, trang 363, của bà để chứng minh.
Một ví dụ khác, trong “Lý lịch di tích thắng cảnh núi Hương, bàu Hương, chùa Hương” được Bảo tàng Phú Yên thực hiện năm 2010, viết: “Tương truyền xưa kia trên đỉnh núi Hương có nhiều danh mộc, trong đó có cây kỳ nam to lớn, mùi hương thơm lan tỏa khắp vùng”. Còn trong sách “Di sản văn hóa Phú Yên” trang 120 thì viết: “Tương truyền xưa kia trên đỉnh núi Hương có nhiều danh mộc, trong đó có cây trầm hương rất to, bốn mùa hương thơm tỏa khắp vùng”
Bà Hoa khẳng định, trong tài liệu được lưu trữ tại Bảo tàng Phú Yên, nhiều lý lịch di tích được cán bộ bảo tàng sưu tầm, biên soạn năm 2010 đều bị bê vào tác phẩm “Di sản văn hóa Phú Yên”.
Theo bà Hoa, sở dĩ nhiều tài liệu ở Bảo tàng Phú Yên cũng như các tác phẩm được in trước bị đánh cắp để đưa vào tác phẩm “Di sản văn hóa Phú Yên” vì tác giả của nó, ông Lê Thế Vịnh là Trưởng phòng di sản (Sở VH-TT-DL Phú Yên) là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Dương Thanh Xuân cho rằng cũng vì ở vị trí này nên ông Vịnh đã có điều kiện lấy 15 bức ảnh của ông để đưa vào tác phẩm mà không hề ghi tên tác giả, không một lời xin phép tác giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thế Vịnh thừa nhận mình có sai sót khi sử dụng ảnh của ông Xuân mà không ghi tên và không xin phép tác giả, nhưng còn việc “đạo” văn, ông Vịnh cho rằng mình không làm việc ấy. “Hầu hết đây là truyền thuyết, mà truyền thuyết thì nhiều người biết, không chỉ có bảo tàng mới có. Hơn nữa người cung cấp các truyền thuyết này tất nhiên sẽ cung cấp cho nhiều người nên việc giống nhau là đương nhiên”- ông Vịnh cho biết. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề vì sao lại giống nhau cả câu chữ, ông Vịnh không trả lời.
Ngày 26-6, ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết hiện tại ông chưa nhận được đơn khiếu nại của bà Hoa nên chưa thể trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
Vừa qua, giới văn nghệ sĩ bàng hoàng khi tin ông Trương Thanh Liêm thôi chức Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ lan tỏa. Nguyên nhân là ông này thừa nhận tự ý sao chép bài Cô gái Cần Thơ múa lân trên cột và mai hoa thung của phóng viên báo Cần Thơ để gửi đăng trên tập san Áo Trắng với tựa Cô gái múa lân trên cột cao 7m. Hiện trạng đạo văn vẫn đang là vấn đề "nhức nhối" chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Sách từng bị từ chối cấp phép xuất bản
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên), cho biết, tháng 8-2011, ông Vịnh có mang bản thảo cùng đơn của Sở VH-TT&DL Phú Yên xin cấp phép xuất bản không kinh doanh tác phẩm “Di sản văn hóa Phú Yên”.
“Nhưng chúng tôi thấy không đủ điều kiện cấp phép vì không có biên bản của Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên để đảm bảo nội dung sách không trùng lắp với các công trình trước. Trong khi đó, chúng tôi lại nhận được công văn của Bảo tàng Phú Yên ký ngày 22-8-2011 nêu nhiều nội dung của bản thảo bê nguyên xi hồ sơ di tích của bảo tàng nên chúng tôi từ chối cấp phép”- ông Bình nói.
|