Gây tai nạn cho người khác là điều không ai muốn, nhưng cách giải quyết tai nạn thế nào mới là vấn đề đáng bàn. Đều đặn hàng tháng, trên báo đài lại có tin tài xế này đâm người bỏ chạy, tài xế kia đạp ga càn quét nhiều người, mới đây nhất là vụ anh tài xế taxi được cho là nhảy từ cầu vượt xuống đường tự tử vì lỡ gây tai nạn.
Một chiếc taxi gây tại nạn hoàn loạt tại Hà Nội do tài xế bỏ chạy sau va chạm
Mỗi ngày tham gia giao thông ở Việt Nam đều như một canh bạc, mà ở đó phụ thuộc cả vào yếu tố may mắn. Nếu may mắn, bạn kết thúc một ngày làm việc và về nhà an toàn với gia đình, nếu không may, bạn có thể bị cảnh sát giao thông dừng xe vì vô tình phạm luật, hay nguy hiểm hơn là bị tai nạn, hoặc gây tai nạn cho người khác. Tất nhiên đó là điều chẳng ai muốn.
Tôi nhớ có một lần đang lái xe phố đông với tốc độ chỉ khoảng 30 km/h, bất ngờ người đi xe máy núp sau đuôi xe tải ở làn ngược chiều cắt ngang đường phi ra trước mũi xe. Tôi mới kịp đạp phanh thì anh ta đã ngã ra trước mặt, ngất xỉu, bọt mép trào ra. Tôi hốt hoảng, không còn biết nghĩ gì, gọi cấp cứu đưa anh ta vào viện. Rất may là không bị chấn thương, khoảng 30 phút sau thì anh ta tỉnh lại. Thực ra, người này ngất xỉu không phải vì đụng xe, mà vì anh ta đã quá say rượu.
Đầu óc, chân tay như rụng rời, lần đầu tiên gây tai nạn cho người khác. Hàng loạt câu hỏi hiện lên: mình có đi đúng không? Vì sao anh ta lại dễ ngất như vậy? Anh ta có làm sao không? "Phủi mồm" lỡ may anh ta không qua khỏi thì sao? Còn người nhà anh ta, người nhà tôi và pháp luật nữa, phải xử lý thế nào đây?
Chỉ một vụ va chạm nhỏ như thế, mà tôi như rơi vào khoảng không vô định, thì hiểu được cảm giác của anh tài xế taxi khi vừa càn quét hàng loạt xe máy. Nhưng vì sao người Việt như chúng ta lại thiếu bình tĩnh, thường hốt hoảng khi gây ra tai nạn? Trong khi xem video ở nước ngoài, họ bình tĩnh xuống xe, nói lời xin lỗi, gọi xe cứu thương, cảnh sát đến làm việc.
Đầu tiên, chắc chắn là do khả năng làm chủ bản thân chưa tốt. Việc không được giáo dục, rèn luyện và trải nghiệm qua nhiều tình huống khác nhau từ khi còn nhỏ khiến người Việt luôn thiếu tự tin, rất sợ sai, sợ gây lỗi lầm. Chúng ta luôn sợ bị người khác đánh giá, coi chuyện làm sai điều gì đó là rất to tát, mà không biết rằng, thái độ với lỗi lầm thế nào, có biết cách sửa sai hay không mới là điều quan trọng.
Bên cạnh đó, còn do yếu tố khách quan là tình trạng giao thông trộn lẫn ở Việt Nam. Nếu ở nước ngoài, ôtô đi cùng ôtô, xe máy đi cùng xe máy, thì ở Việt Nam tất cả các loại phương tiện từ xe bus công cộng tới xe đạp, thậm chí người đi bộ đều sử dụng chung lòng đường. Nhiều đối tượng khác nhau dẫn tới nhiều cách thức hoạt động, không thể đoán định. Nếu trên cầu vượt chỉ toàn ôtô, cùng lắm là hai xe đụng nhau, hỏng hóc bên ngoài chứ người trong xe vẫn an toàn. Bạn không thể biết được điều gì đang chờ mình ở phía trước, dù tất cả mọi thứ đều tồn tại hữu hình.
Cuối cùng, tài xế dễ hoảng loạn vì cách thức giải quyết va chạm đầy "hoang dại". Sau va chạm, thường không phải là lời hỏi thăm tình trạng cơ thể hay lời xin lỗi dù chưa biết mình đúng hay sai, mà thường là màn đấu khẩu. Những ai không kiềm chế được bản thân, sau đấu khẩu là tới đấu võ, mà đấu võ thì muôn hình vạn trạng, có kẻ dùng cả dao, kiếm thậm chí súng đạn.
Làm sao không hốt hoảng cho được, khi không thể biết rằng mở cửa xe bước xuống mình sẽ nhận được gì, là những lời nói văn minh hay những cái đấm đá cộc cằn thô lỗ?
Độc giả Nguyên Khoa