Hội thảo do Trường Đại học Văn Hiến phối hợp cùng WorldFish tổ chức với sự bảo trợ thông tin của Báo Người Lao Động. Hội thảo đã thu hút hơn 170 khách mời là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế. Sự kết nối của Hội thảo đã tạo nên một diễn đàn học thuật, góp phần tìm kiếm giải pháp cho ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu - một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong quá trình hướng tới sự phát triển bền vững của ngành.
Với tính cấp thiết và hấp dẫn của chủ đề "Thực phẩm thủy sản trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và con đường tương lai", Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết tham luận gửi về từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Hội đồng chuyên môn đã lựa chọn 5 bài tham luận được trình bày trực tiếp trong Hội thảo.
Trong phiên khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến nhấn mạnh: "Hội thảo là cơ hội quý giá để cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về chủ đề có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, sự cấp thiết phải chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm phát thải thấp đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Thủy sản, một nguồn tài nguyên quý báu của Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và tạo động lực cho nền kinh tế".
Các báo cáo và thảo luận tại Hội thảo đã làm nổi bật vai trò của ngành thủy sản trong nền kinh tế Việt Nam. Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm thiết yếu, cũng như đóng góp quan trọng vào xuất khẩu và phát triển kinh tế nông thôn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra các cơ hội lớn trong việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp. Các giải pháp công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng được xác định là những yếu tố then chốt để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, ngành thủy sản cũng đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng sâu rộng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản lượng thủy sản. Ngoài ra, yêu cầu về phát thải thấp và các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về môi trường cũng tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp thủy sản. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, tài chính hạn chế và thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến cũng là những yếu tố cần khắc phục để thúc đẩy sự chuyển đổi trong ngành thủy sản.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển ngành thủy sản bền vững bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ. Các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sản xuất thủy sản, cùng với việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản và thích nghi với xu hướng phát thải thấp. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn và áp dụng các phương thức sản xuất bền vững sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong phần báo cáo tại Hội thảo Tiến sĩ Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Việt Nam (VIFEP) nhận định: "Ngành nuôi tôm của Việt Nam đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các thị trường nhập khẩu, yêu cầu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp. Việc áp dụng các hệ thống chứng nhận như ASC, GlobalGAP, và VietGAP không chỉ là yếu tố cần thiết để tăng giá trị xuất khẩu, mà còn là bước đi chiến lược trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất vận hành và triển khai công nghệ thông minh, chúng ta có thể không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia".
Hội thảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa các bên liên quan trong và ngoài nước. Các kiến thức và thông tin thu được từ Hội thảo sẽ trở thành nguồn tài nguyên tham khảo mang giá trị học thuật cao, góp phần quan trọng vào công tác giảng dạy chuyên ngành tại Trường Đại học Văn Hiến, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản. Hơn nữa, Hội thảo đã giúp kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cùng nhau thúc đẩy ngành thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải.
Hy vọng rằng những kết quả từ Hội thảo sẽ là bước đệm để ngành thủy sản Việt Nam sẵn sàng bước chuyển mình để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và phát thải thấp trong tương lai.