Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ người mắc bệnh răng miệng cao trên thế giới. Trong đó, đáng lo là tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi học đường mắc các bệnh về răng miệng, đặc biệt là sâu răng, vẫn còn rất cao. Theo thống kê của chương trình “Bảo vệ nụ cười Việt Nam” năm 2014, có đến 85% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng.
Tác hại khôn lường của sâu răng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sâu răng nằm trong top 3 nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe, chỉ sau tim mạch và ung thư. Phát biểu về tác hại của sâu răng tại chương trình hưởng ứng “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới” 21-3 vừa qua, PGS-TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng bị sâu răng là đơn giản nhưng thực tế lại ảnh hưởng đến cả cơ thế. Một đứa trẻ bị sâu răng sẽ dẫn đến chứng lười ăn, suy dinh dưỡng và các bệnh tật khác...”.
Hơn 6.000 em nhỏ, phụ huynh và các bạn trẻ tham gia đi bộ hưởng ứng “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới”
Sâu răng tạo ra các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và trở thành cây cầu dẫn vi khuẩn khắp cơ thể. Sâu răng và viêm tủy răng không được điều trị sẽ bị hoại tử, biến chứng áp-xe răng, nang quanh chóp vô cùng đau đớn. Nhiều trường hợp nhiễm trùng huyết và nghẽn mạch xoang hang ở não có nguyên nhân từ răng. Ngoài ra, nó còn dẫn đến những chứng bệnh không ngờ tới như viêm cầu thận, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, các bệnh tim mạch và huyết áp cũng như tăng nguy cơ ung thư.
Thiệt hại kinh tế do sâu răng gây ra cũng rất lớn. Theo thống kê, nếu phòng bệnh cho cộng đồng chỉ tốn 1.200 đồng/răng nhưng nếu để phải điều trị thì tốn từ 50.000 đến 3 triệu đồng. Do đó, vấn đề ở đây là phải giúp toàn cộng đồng có ý thức phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe răng miệng bên cạnh việc xã hội hóa nha học đường.
Cải thiện sức khỏe răng miệng cho người dân nông thôn
Kết quả nghiên cứu “Tình trạng sức khỏe răng miệng của người dân ĐBSCL và các yếu tố liên quan” được báo cáo tại hội nghị khoa học - đào tạo liên tục do Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương TP HCM tổ chức mới đây đã đưa ra kết luận: Người có trình độ học vấn thấp có tình trạng sâu răng trầm trọng hơn. Thực tế này phần nào đưa ra hướng để cải thiện sức khỏe răng miệng cho người dân hiệu quả, đó là đẩy mạnh tuyên truyền ý thức giữ gìn sức khỏe răng miệng, giúp đỡ người dân vùng sâu vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn được khám chữa răng, cấp phát vật phẩm vệ sinh răng miễn phí.
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã phối hợp với các ban, ngành liên quan và huy động các nguồn lực xã hội hóa kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Nổi bật nhất có thể kể đến hành trình “P/S Bảo vệ nụ cười Việt Nam” với sự đồng hành của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Y tế, đã giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của hơn 11 triệu học sinh trên cả nước trong suốt 15 năm qua.
Năm nay, hành trình được khởi động bằng chương trình chạy bộ hưởng ứng “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới” do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam và Liên đoàn Nha khoa thế giới (FDI) phối hợp tổ chức. Trong lần đầu tiên tổ chức, chương trình đã khuyến khích hơn 7 triệu học sinh trên toàn quốc cam kết chải răng đều đặn mỗi ngày. Trong năm thứ hai, ngày hội đã đón nhận hơn 3.000 học sinh đến thực hành chải răng đúng cách. Năm nay, chương trình đã thu hút 6.000 người tham gia chạy bộ, tương đương với 6.000 vật phẩm vệ sinh răng miệng được gửi tới trẻ em vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, từ nay đến ngày 18-5, hành trình “P/S Bảo vệ nụ cười Việt Nam” sẽ bắt đầu những chuyến đi khám chữa răng miễn phí cho khoảng 500.000 em nhỏ ở ngoại thành và nông thôn.
Bài và ảnh: Nguyệt Thu