Tháng 2-2012, Raspberry Pi Foundation (Hiệp hội Raspberry Pi) đã cho ra đời chiếc máy tính mini này với mục đích chính là làm công cụ kích thích giáo dục ngành công nghệ máy tính. Nhưng cỗ máy này bị cuốn vào trào lưu hâm mộ công nghệ, biến Raspberry Pi thành tâm điểm của sự chú ý từ cộng đồng nghiên cứu chế tạo máy tính trên khắp thế giới. Trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án vô cùng thú vị đã được thực hiện với chiếc máy tính cấu hình khiêm tốn này.
Sức hút của Raspberry Pi
Những dự án đầu tiên
Một trong những dự án ấn tượng nhất là của Dave Akerman. Dave đã phóng một bong bóng khí tượng lên tầng khí quyển, bên trong có một máy tính Raspberry Pi. Cỗ máy này được trang bị thêm một thanh tản nhiệt, cùng một thiết bị phát sóng radio, máy định vị GPS, webcam để chụp hình. Cách mặt đất hơn 30 km, cỗ máy này chụp và gửi hình trực tiếp về trạm mặt đất. Từ trước đến nay, việc gửi bong bóng khí tượng và chụp hình đã nhiều lần được thực hiện với bảng mạch Arduino. Nhưng chỉ khi nhờ có cổng USB và cấu hình mạnh mẽ của Raspberry Pi, Dave mới có thể chuyển hình về một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu về mặt phức tạp, có lẽ dự án của GS Simon Cox từ Trường Đại học Southampton là vượt trội hơn cả. Cùng với cậu con trai 6 tuổi của mình, ông đã kết nối 64 máy Raspberry lại với nhau trên một bộ khung bằng gạch xếp hình Lego và tạo nên một tổ hợp máy tính. Các máy Raspberry Pi được nối với nhau bởi cổng Ethernet, cho phép các bộ vi xử lý “nói chuyện” với nhau và phân chia nhiệm vụ. Mặc dù không lớn bằng các tổ hợp máy tính lớn nhưng thành quả của hai cha con Simon Cox là một mô hình mini cho thấy phương thức hoạt động của một siêu máy tính.
Trong bối cảnh cuộc chiến TV giải trí thông minh giữa các gã khổng lồ công nghệ sắp nổ ra dữ dội, một dự án mang tên Raspbmc cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo nên một đầu giải trí trên TV cho riêng mình. Lấy nguồn từ chương trình XBMC, vốn là một chương trình quản lý nội dung tên máy chơi game Xbox, nhà phát triển phần mềm Sam Nazarko đã viết lại XBMC dựa trên nền Debian để nó có thể vận hành trên Raspberry Pi. Và thế là với 35 USD, bạn có thể có một đầu thu phát các nội dung giải trí, từ video, nhạc đến YouTube.
Những dự án trên chỉ mới là một màn dạo đầu của những gì mà Raspberry Pi có thể làm được. Nó sẽ được các nhà phát triển phần mềm, phần cứng có thể làm cho “chú bé tí hon” này khổng lồ hơn nữa. Đấy là chưa nói đến nhiều ngành khác từ y tế đến các ngành công cộng đang manh nha đưa Raspberry Pi vào ứng dụng. Mặc dù nhiều người không tin Raspberry Pi sẽ thay thế cho máy tính trong tương lai nhưng rất có thể chúng sẽ trở thành một “phần mở rộng” không thể thiếu.
“Chân dung” Raspberry Pi Máy tính siêu nhỏ Raspberry Pi được thiết kế bởi Raspberry Pi Foundation, sản xuất và bán lẻ (online) qua Element 14/Premier Farnell và RS Electronics. Raspberry Pi có 2 phiên bản A (giá 25 USD và B (35 USD), được trang bị nền tảng SoC Broadcom BCM2835, CPU 700 MHz ARM11, Broadcom VideoCore IV GPU, 256 MB RAM trong phiên bản A và 512 MB RAM trong phiên bản B, tích hợp cổng USB, Composite RCA, HDMI, 3.5 audio jack, Ethernet (RJ45) và cổng đọc thẻ nhớ SD. Cỗ máy tính mini này có thể vận hành một loạt hệ điều hành từ Linux đến FreeBSD, đồng thời có một dịch vụ phân phối phần mềm Pi Store tương tự như App Store của Apple. |