Ca tài tử, vọng cổ, cải lương là loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống có xuất xứ lâu đời từ miền Tây Nam Bộ, được đông đảo người dân yêu thích. Để gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu vốn có của loại hình nghệ thuật này, đồng thời tạo ra sân chơi dành cho tất cả những ai yêu thích ca tài tử, vọng cổ, cải lương, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã chính thức khởi xướng cuộc thi Vọng cổ du ca tại Cà Mau, một trong những cái nôi ươm mầm tài năng cho bộ môn nghệ thuật dân tộc.
Tạo sân chơi nghệ thuật bổ ích
Được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong những hoạt động chung tay vì cộng đồng, về nguồn…, Bia Sài Gòn tiếp tục tạo ra sân chơi nghệ thuật bổ ích nhằm khích lệ giới trẻ phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc thông qua cuộc thi Vọng cổ du ca. Ý tưởng mang loại hình nghệ thuật này đến với miền Tây cũng là sự tâm huyết của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn. Ông chia sẻ: “Miền Tây là một mảnh đất nặng tình nặng nghĩa với Bia Sài Gòn. Nơi mà 2 công ty thương mại Sông Tiền và Sông Hậu và 5 nhà máy sản xuất Bia Sài Gòn hoạt động đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền các địa phương và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Vọng cổ du ca là món quà tinh thần ý nghĩa mà Bia Sài Gòn đặc biệt gửi đến miền Tây, thay lời tri ân sâu sắc của Bia Sài Gòn. Đồng thời, với mong muốn góp phần gìn giữ tình yêu đối với môn nghệ thuật dân tộc này, chương trình cũng là cách khuyến khích thế hệ trẻ hãy trân trọng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa đặc thù của miền sông nước Tây Nam Bộ”.
Đây là cuộc thi được đầu tư nghiêm túc, thực hiện chuyên nghiệp. Việc tuyển chọn được tổ chức trực tiếp ở từng địa phương, tạo điều kiện cho đông đảo bà con yêu vọng cổ, cải lương tham gia. Điều này tạo nên nét khác biệt giữa Vọng cổ du ca và rất nhiều chương trình có nội dung tương tự. Vọng cổ du ca đã khởi động từ huyện Thới Bình (Cà Mau) ngày 6-1; sau đó, tiếp tục “du ca” đến các huyện Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi và TP Cà Mau, thu hút gần 1.000 thí sinh tham dự.
Hình ảnh đêm chung kết Vọng cổ du ca
Những dấu ấn khó quên
Đến với Vọng cổ du ca, các “giọng ca vàng” không chỉ có cơ hội sở hữu những giải thưởng giá trị mà còn được tiếp cận một sân khấu quy mô, hoành tráng, cùng thành phần ban giám khảo là những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu, các NSND, NSƯT, đạo diễn uy tín và giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực “ca tài tử, vọng cổ và cải lương”: NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang; NSƯT Minh Vương, NSƯT Hoa Phượng, NSƯT Lịch Sử, NSƯT Minh Đương, đạo diễn Phan Quốc Kiệt…
Đêm chung kết ngày 31-1, hơn 800 ghế ngồi tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau được phủ kín bởi quý khán giả - những trái tim vẫn giữ trọn niềm say mê với loại hình nghệ thuật dân tộc này. Sự “xuất thần” để đạt ngôi vị quán quân của thí sinh Nhan Thị Lan Nhi đã khép lại chương trình Vọng cổ du ca do Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tổ chức lần đầu tại tỉnh Cà Mau, để lại những dấu ấn khó quên trên hành trình gần một tháng tìm kiếm tài năng ca tài tử, vọng cổ và cải lương.
Bài và ảnh: Hạnh Lê