Xuất hiện từ khá lâu nhưng phải đến bây giờ, thiết bị lai mới thực sự được người tiêu dùng chú ý. Khi danh mục các sản phẩm, thiết bị kỹ thuật số ngày càng đa dạng, người dùng dần càng nảy sinh nhu cầu muốn có một thiết bị “tất cả trong một” thay vì phải mang vác lỉnh kỉnh nhiều thứ.
Các giai đoạn tiến hóa của thiết bị lai
Từ nhu cầu này, các nhà sản xuất đã cố gắng để kết hợp thêm các tính năng bổ sung vào một thiết bị chính. Khởi thủy là việc thêm tính năng nghe nhạc vào cho điện thoại di động, rồi máy ảnh kết hợp máy quay kỹ thuật số…
Đến nay, thị trường thiết bị lai đã hết sức phong phú và đa dạng với các loại đầu ghi DVD có gắn ổ cứng, chuột máy tính kiêm điện thoại, bộ định tuyến gia dụng với cả giao diện Ethenet lẫn Wi-Fi, túi xách gắn pin mặt trời để sạc các loại máy…
Các thiết bị phổ dụng ngày nay như smartphone, TV thông minh (smart TV) về bản chất cũng là những thiết bị lai khi chúng được bổ sung thêm các tính năng chụp ảnh, nghe nhạc, hỗ trợ cá nhân (PDA – personal digital assistant) bên cạnh chức năng chính là thoại (đối với smartphone) hay các tính năng lướt web, chơi game và nhiều ứng dụng khác bên cạnh các chương trình truyền hình (đối với smart TV).
Theo cách hiểu này, những thiết bị lai đáng được kể tên ở giai đoạn đầu có thể nhắc đến là iPhone và Sony Ericsson W. Hai dòng điện thoại này đồng thời là những chiếc máy nghe nhạc "đỉnh". Cũng là điều dễ hiểu khi 2 dòng điện thoại này đều được sinh ra từ những công ty có tiềm lực trong lĩnh vực âm thanh. Gần đây, HTC cũng tham gia vào phân khúc điện thoại có tính năng nghe nhạc cao cấp với dòng điện thoại Sensation bằng việc hợp tác với một hãng âm thanh lớn là Beats Audio.
Dĩ nhiên các nhà sản xuất điện thoại sẽ không dừng lại ở một tính năng bổ sung khi mà nhu cầu người dùng đối với các thiết bị nhiều tính năng ngày càng gia tăng. HTC đang hiện thực hóa tham vọng bổ sung các tính năng chụp ảnh chuyên nghiệp vào trong dòng điện thoại sắp tung ra thị trường là HTC Titan 2. Một thông tin trên tạp chí Mobile cho biết Titan 2 được trang bị camera 16 megapixels, khẩu độ F2.6 và một cảm biến chiếu sáng nền. Hãng này thậm chí dùng lối nói hình ảnh rằng “đối thủ của HTC sẽ là Canon, Nikon” để nhấn mạnh tính năng chụp ảnh chuyên nghiệp có trong những chiếc điện thoại ra mắt thời gian tới của họ.
Trong vòng nửa cuối năm 2011 và đầu 2012 đã có nhiều thiết bị lai được ra mắt như Samsung Galaxy Note - lai giữa máy tính bảng và smartphone; đồng hồ Sony Smart Watch có thể lướt web và đồng bộ với smartphone; Lenovo Ideapad Yoga - lai giữa máy tính bảng và ultrabook… Thậm chí, chiếc IdeaPad Yoga có thể coi là sự hội tụ của 3 loại thiết bị: máy tính bảng, máy tính xách tay và TV thông minh.
Không chỉ các hãng điện thoại mới có nhu cầu bổ sung tính năng cho sản phẩm của mình. Hãng Polaroid cũng trang bị cho một chiếc máy ảnh sắp tới của mình tính năng thoại, duyệt web; post ảnh trực tuyến lên Facebook, Twitter; quay phim và truyền dữ liệu trực tiếp…
Một loạt các thiết bị lai khác đang được các nhà sản xuất hứa hẹn cho ra mắt như Asus Padfone lai giữa điện thoại và máy tính bảng, HTC Edge lai giữa điện thoại và máy ảnh chuyên nghiệp…
Triển vọng của thiết bị lai
Các nhà sản xuất thường gặp khó khăn để phán đoán xem người tiêu dùng thích gì. Vì lẽ đó, họ cố gắng thử thật nhiều các kiểu kết hợp khác nhau: điện thoại với máy ảnh, điện thoại với máy nghe nhạc, điện thoại với máy tính bảng…
Đã có thời, các thiết bị lai bị người tiêu dùng quay lưng vì tính năng gì cũng có nhưng lại không có tính năng nào tốt. Tuy nhiên, sự kiên trì của một số nhà sản xuất cũng như sự phát triển của công nghệ có lẽ đã giải quyết được vấn đề này. Cho đến nay, thiết bị lai đang ngày càng được người dùng chú ý.
Phổ biến các kiểu lai hiện nay có điện thoại nghe nhạc, điện thoại chơi game (như Xperia Play, w600i của Sony Ericsson, Samsung SPH A900, HTC Sensation, Motorola Q, Helio Hero); điện thoại chụp hình (như iPhone 4S, Nokia C7, Sony Ericsson Aino, Sony Ericsson Idou, Nokia Lumia, HTC Bresson…). Trong số này, có nhiều thiết bị được người dùng ưa thích.
Tất cả những dòng điện thoại chụp hình đều được lắp camera "8 chấm" trở lên, cá biệt có những dòng điện thoại trang bị camera lên đến "16 chấm". Không chỉ là phần cứng, các phần mềm hỗ trợ tính năng chụp ảnh như nhận diện khuôn mặt, cảm biến ảnh, xem trước độ sâu trường ảnh… cũng sẽ được tích hợp.
Xu hướng smartphone lai máy tính bảng cũng đã xuất hiện từ giữa năm 2010 khi Dell Streak 5 ra đời và Galaxy Note ra mắt trong năm 2011, còn sắp tới là Asus Padfone (dù hình thức lai của thiết bị này có nét rất riêng). Mặc dù Dell Streak không thành công về mặt thương mại, nhưng thị trường đã có dấu hiệu đón nhận tích cực hơn với Galaxy Note.
Một xu hướng nữa cũng nhiều triển vọng là máy tính bảng lai ultrabook hay laptop. Mặc dù chưa có nhiều đại diện của dòng này, nhưng chúng được dự báo sẽ sinh sôi nảy nở với sự ra mắt của hệ điều hành "đa hệ" Windows 8 vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, các thiết bị lai mới có thật sự thành công hay không thì còn phải theo dõi thêm. Từ trường hợp thành công của iPad (mà lúc đầu bị nhiều người cho rằng không đáp ứng nhu cầu cơ bản nào), có thể thấy chính khách hàng sẽ quyết định sử dụng thiết bị đó vào việc gì tùy theo nhu cầu của họ.
Ở một khía cạnh khác, thiết bị càng nhiều tính năng càng ngốn pin vì được sử dụng nhiều, hơn nữa, màn hình lớn, kết nối liên tục khiến lượng pin tiêu hao càng khủng khiếp. Trong khi các công nghệ chip, thẻ nhớ, ống kính… đều đã có những tiến bộ đáng kể để cho phép tích hợp chúng vào cùng một thiết bị thì bộ phận ít được cải tiến về hiệu năng và chiếm nhiều chỗ của các thiết bị này vẫn là pin.
Thách thức của các nhà sản xuất hiện nay là làm sao có một thiết bị nhiều tính năng, thời lượng pin dài. Tuy nhiên, vấn đề thời lượng pin vẫn luôn là câu đố khó có lời giải. Cho đến nay, có lẽ iPad là thiết bị có màn hình lớn (đến 9,7 inch) mà pin có thể sử dụng cả ngày chỉ với một lần sạc.
Chúng ta chỉ còn biết chờ công ty pin ngày càng tiến bộ, rút ngắn thời gian cho ra đời các công nghệ pin mới vừa mỏng, nhẹ vừa lâu hao.