Mặc dù đã liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân qua các năm 15% nhưng theo các chuyên gia, để thêm sức cạnh tranh, ngành gỗ cần chú ý nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực.
Mục tiêu 7 tỉ USD
Tại hội thảo tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ vừa được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) tổ chức, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết trong tổng số 6,2 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ năm ngoái, riêng thị trường Mỹ chiếm 2,2 tỉ USD (tương ứng 35,5%). Với thị trường Mỹ, Việt Nam là nhà cung ứng gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 2 sau Trung Quốc, từ trước tới nay chưa có mặt hàng nào bị cảnh báo đỏ và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này cũng tăng trưởng đều đặn trong những năm qua.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, các nước xuất khẩu đồ gỗ lớn ở châu Âu chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên phải thu hẹp sản xuất, đây được coi là cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ, đặc biệt là sang thị trường Mỹ. Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu đồ gỗ đang tăng trưởng tốt, năm nay ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu 7 tỉ USD, tăng 800 triệu USD so với năm ngoái. Ông Trần Quốc Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành HAWA, nhận định mục tiêu này sẽ khả quan, bởi so với năm ngoái, năm nay tình hình đơn hàng của các DN trong ngành tốt hơn nhiều. Không chỉ xuất khẩu, thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng tốt. Vài năm nay, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trong nước không ngừng tăng nên DN trong ngành có nhiều cơ hội phát triển.
Ngành gỗ đang có nhiều cơ hội xuất khẩu. Trong ảnh: Khách hàng tại hội chợ đồ gỗ xuất khẩu ở TP HCM
Chuẩn hóa lại quy trình sản xuất
Nhưng theo các chuyên gia, một vấn đề DN cần quan tâm để nâng cao sức cạnh tranh là phải cải thiện nguồn nhân lực. Lâu nay, ngành chế biến gỗ hoạt động chủ yếu theo mô hình hộ gia đình, DN vừa và nhỏ. Người lao động phần lớn đến từ nông thôn, gặp nhiều khó khăn trong học nghề và chậm thích nghi với tác phong làm việc theo môi trường hiện đại, dù nhiều người có kỹ năng tay nghề cao. Hiện nhiều DN vừa và nhỏ chưa có sự đầu tư về phát triển sản phẩm, thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, không có kế hoạch đào tạo cho công nhân nâng cao tay nghề, tiếp cận những kỹ thuật mới… Do đó, bản thân DN cũng cần ứng dụng kỹ thuật mới vào quy trình sản xuất.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng cần hướng tới và phải chuẩn hóa lại quy trình sản xuất đồ gỗ, thiết kế và sản xuất được những sản phẩm mang thương hiệu Việt. Đồng thời, cần xác định phân đoạn cho ngành trong chuỗi cung ứng để từ đó có thể tập trung chỉnh đốn lại quy trình sản xuất. Trên địa bàn TP HCM, lãnh đạo TP cũng rất quan tâm phát triển năng lực của DN xuất khẩu. Tháng 10-2014, UBND TP đã phê duyệt một đề án cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ. Dự kiến năm nay, nhiều hoạt động đào tạo nguồn nhân lực sẽ được HAWA triển khai với kỳ vọng tạo bước phát triển đột phá cho ngành.
Cần nâng cao tay nghề công nhân Trung tâm WTO TP HCM đang triển khai cuộc khảo sát với 100 DN trong ngành chế biến gỗ về nhu cầu đào tạo. Kết quả ban đầu cho thấy đa phần các DN muốn được đào tạo cho quản lý cấp cao về chiến lược phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu phát triển thị trường, kiểm soát nội bộ, pháp luật kinh doanh... Riêng phần đào tạo kỹ thuật, nhiều DN chưa nhận thức được phải nâng cao tay nghề cho bộ phận công nhân - lực lượng tham gia phần lớn trong quy trình sản xuất sản phẩm. |
Bài và ảnh: VŨ PHONG