Hiện đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn (CĐL) được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha. Một số mô hình thực hiện liên kết ở Nam Định, Cần Thơ đã đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển CĐL... Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL, vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP HCM.
Mô hình hiệu quả
Với quy mô diện tích lớn, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí nên hiệu quả sản xuất trên CĐL cao hơn. Tại ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10%-15%, giá trị sản lượng tăng 20%-25%, thu lời thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, các mô hình CĐL cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 ha lúa thấp hơn so với ĐBSCL, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17%-25%, tùy theo địa phương.
Mô hình CĐL bước đầu được thực hiện chủ yếu đối với cây lúa nhưng cũng đã bắt đầu mở rộng ra nhiều cây trồng khác. Một số tỉnh đã xây dựng mô hình CĐL trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp như bắp, đậu phộng, chè, cà phê. Tại Hòa Bình còn có mô hình CĐL cho cây bí xanh mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm an toàn. Nghệ An đã xây dựng 10 mô hình cho bắp, 8 mô hình cho đậu phộng với diện tích hơn 1.000 ha. Quảng Bình xây dựng 435 ha cho cây ớt và 120 ha cho cây mì...
Một cánh đồng lớn tại Đồng Tháp
Tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào từ doanh nghiệp (DN). Các DN đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển. Tình trạng thương lái pha trộn các loại giống lúa để bán cho DN làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi DN và nông dân cùng tham gia CĐL...
Đồng hành cùng nông dân
Hiện nay, một số DN có diện tích liên kết lớn như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đang hỗ trợ nông dân liên kết CĐL thành lập các HTX làm tổ chức trung gian kết nối giữa DN và nông dân. Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang đã hỗ trợ thành lập hàng trăm tổ, nhóm hợp tác của các hộ sản xuất lúa. Sau khi thành lập HTX, công ty đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các HTX về kỹ thuật, quản lý, chủ động sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang, cho biết phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với bà con; biết tâm tư, nguyện vọng của họ. Nông dân rất tự trọng, chỉ cần hỗ trợ tư duy tổ chức sản xuất để tự họ vươn lên. Tổ chức lại sản xuất với nông dân theo chuỗi (do nông dân chưa định hướng được thị trường, vốn, kỹ thuật, phân chia lợi nhuận hợp lý). Hiện công ty đã liên kết với gần 25.000 hộ với 105.000 ha. Theo đó DN ứng giống, chuyển giao tổ chức sản xuất. Lúa để trong kho nhưng muốn bán lúc nào là do nông dân quyết định... Cũng theo ông Thòn, tổ chức chuỗi khép kín, nông dân không bị đơn lẻ khi tiếp cận khoa học kỹ thuật, vay vốn, bán sản phẩm. Vị thế của nông dân được thay đổi, họ không bị tổn thương.
DN phải lo thị trường, vì nông dân không am hiểu nên họ cần DN tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung. Cũng theo ông Thòn, việc liên kết này cũng là để góp phần xây dựng nông thôn mới, văn minh hiện đại, tạo môi trường trong lành để cư dân thành phố về đây nghỉ ngơi và giải trí.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn thấp ở mức 20%-30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%. Nhiều DN chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa có đủ điều kiện để tổ chức hệ thống thu mua. |
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI