Tới dự sự kiện ra mắt Bphone vừa qua, tôi đã băn khoăn chiếc smartphone này đạt được bao nhiêu phần trăm so với những gì Bkav đã quảng cáo. Tuy nhiên, có cơ hội cầm trên tay để trải nghiệm, tôi thở phào vì thực tế Bphone cũng “ra ngô ra khoai”.
Thiết kế phẳng và “thoát nhựa”
Không thể đòi hỏi một sự hoàn hảo ở bất cứ sản phẩm công nghệ nào trong phiên bản đầu tiên. Cho dù được nỗ lực chăm chút tới mấy, Bphone cũng chẳng thể thoát khỏi quy luật đó. Công bằng mà nói Bphone đã phần nào đáp ứng được “ước mơ” có một sản phẩm hội tụ các tính năng và công nghệ tiên tiến của một số người dùng.
So sánh đẹp xấu giữa iPhone 6, Galaxy S6 và Bphone là tùy cái nhìn chủ quan của từng người. Còn xét theo những chuẩn cơ bản, theo tôi, cả 3 smartphone này đều “kẻ Thúy Vân, người Thúy Kiều”.
Người ta có thể nói Bphone có nét hao hao giống sản phẩm Y, X nhưng nhìn tổng thể, với thiết kế phẳng và tối giản hóa, Bphone có những nét riêng. Bkav cho biết họ đã nghiên cứu để loại bỏ những chi tiết thừa trong thiết kế của những smartphone “đỉnh” khác. Không chạy theo những bờ cong như nhiều smartphone khác, Bphone được thiết kế với mặt kính và các cạnh phẳng. Các góc hơi bo tròn, hai cạnh trên và dưới cũng chỉ uốn cong nhẹ. Đại diện lãnh đạo Bkav nói: “Đây là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới đưa ngôn ngữ thiết kế phẳng vào kiểu dáng”.
Thật sự Bphone đã làm được chuyện “thoát nhựa” vốn được phần lớn người dùng đòi hỏi ở các smartphone hight-end (cao cấp): nhôm nguyên khối và kính cường lực ở cả 2 mặt trước sau (kính Corning Gorilla Glass 3).
Bphone có màn hình 5 inch, độ phân giải Full HD 1.080 x 1.920 pixel, mật độ điểm ảnh 441ppi. Nhờ tối giản hóa chi tiết, Bphone đạt tỉ lệ màn hình so với thân máy tới 72%.
Theo thông số, Bphone hỗ trợ âm thanh độ rõ nét cao Lossless ở mức tới 24-bit/192kHz. Về lý thuyết, âm thanh này có chất lượng làm xao động người yêu nhạc vì âm thanh của CD cũng chỉ có mức 16-bit/44:1kHz.
Qua thử nghiệm phát nhạc của Bphone trong buổi ra mắt, người ta có thể nhận định âm thanh do máy tái tạo không hề tệ.
Cấu hình mạnh nhưng chưa “đỉnh”
Bphone chạy CPU Qualcomm Snapdragon 801 gồm 4 nhân, tốc độ 2.5GHz, giống ASUS Zenfone 2. Trong khi đó, HTC M9 và Sony Xperia Z4 chạy CPU Snapdragon 810, 8 nhân hay LG G4 chạy CPU Snapdragon 808, 6 nhân. Thật tình, tôi cứ đinh ninh trên Bphone là CPU Snapdragon 810 kia!
Máy được trang bị bộ nhớ hệ thống RAM 3 GB - dung lượng chuẩn của các smartphone hight-end chạy Android 5.0 Lollipop hiện nay. Bộ nhớ trong của Bphone có 3 phiên bản 16 GB, 64 GB và 128 GB (riêng 128 GB chỉ có ở phiên bản hạn chế, mạ vàng 24K). Tất cả không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài nên phiên bản 16 GB bị gò bó dung lượng lưu trữ.
Bphone được trang bị máy ảnh sau của hãng Omnivision (Mỹ) có độ phân giải 13 MP với lớp kính sapphire bảo vệ thấu kính. Hệ thống camera này được trang bị công nghệ mới: tự động bắt nét theo chuyển động, Ubi Focus có thể lấy nét 5 điểm cùng một lúc, chụp trước lấy nét sau; quay phim tốc độ chậm - slow motion... Camera trước thuộc dạng selfie với độ phân giải 5 MP và góc rộng 88 độ.
Hệ điều hành tùy biến BOS
Bphone chạy hệ điều hành BOS được tùy biến dựa trên hệ điều hành Android 5.0. Để có thể tăng thêm khả năng bảo mật và an ninh cho thiết bị, Bkav đã tích hợp công nghệ bảo mật và an ninh vào ngay tận nhân của hệ điều hành. Điều này khác với các phần mềm chống virus chỉ có thể bảo vệ ở vòng ngoài. Đó là lý do mà Bkav mạnh miệng nói rằng Bphone là smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ tường lửa, không virus, không spam, không phần mềm nghe lén. Bphone có chế độ truy cập cho khách, bảo vệ dữ liệu riêng tư, công nghệ chống trộm, khóa dữ liệu qua internet và tin nhắn SMS. Đây mới chính là điều làm cho Bphone khác biệt với các smartphone khác và thể hiện được là một sản phẩm của công ty chuyên về an ninh mạng, bảo mật.
Kết nối siêu nhanh nhưng...
Một trong những tính năng được nhấn mạnh ở Bphone là công nghệ kết nối gần Transfer Jet với tốc độ 200 Mbps, nhanh gấp 472 lần công nghệ NFC (chỉ có 0,424 Mbps). Đáng tiếc lẽ ra Bphone vẫn hỗ trợ song song công nghệ NFC vốn phổ cập hơn Transfer Jet. Do đó, chỉ có 2 thiết bị Bphone mới có thể kết nối. Trong chuyện này, Bkav quá lạc quan là mình có thể khiến người ta phải đi theo mình, trong khi ngay chính “đại sư phụ” công nghệ Intel từng nhiều phen chẳng thể dẫn dắt nổi giới công nghệ theo chuẩn mực, công nghệ của Intel. Coi như Bphone bị tước mất khả năng giao tiếp gần đang ngày càng phổ biến theo xu thế thanh toán điện tử di động.
Gập ghềnh con đường phía trước
Dù sao Bkav đã làm thành công một smartphone cao cấp có hàm lượng Việt cao nhất từ trước tới nay. Nhưng thật sự là con đường phía trước Bphone còn quá khó khăn. Dù sản phẩm có ngon lành thế nào, Bkav vẫn là một lính mới trên thị trường di động cạnh tranh khốc liệt. Đã vậy, họ còn chọn phân khúc hight-end để nhập cuộc. Đây là một thị trường hẹp có yêu cầu cao và hiện do vài “ông lớn” trấn giữ. Cuộc so găng này phần thiệt thòi nằm ở phía Bkav. Việc khuấy đảo được thị trường quả là “không thể tin được”.
Bkav đã khôn ngoan là chỉ bán Bphone qua mạng. Với giá không hề rẻ, Bkav không thể sản xuất Bphone đại trà rải khắp các cửa hàng. Họ sẽ bị chôn vốn. Một thách thức nữa, thói quen của người dùng Việt là phải mắt thấy, tai nghe, tay cầm sản phẩm nhiều phen mới quyết định mua. Không giống như iPhone đã tạo niềm tin, người tiêu dùng sẽ vào mạng đặt mua ngay khi phiên bản mới chưa ra mắt. Chưa biết Bphone ra sao, làm cách nào để họ dám bỏ một số tiền lớn “nhắm mắt” mua? Hơn nữa, ngay cả khi Bphone được bán trực tiếp ở cửa hàng, với mức giá Bphone hiện nay, người dùng có quá nhiều chọn lựa sản phẩm của những thương hiệu lớn. Cho dù có yêu Bkav hay ủng hộ hàng Việt Nam thế nào, người tiêu dùng cũng phải cân nhắc. Vì lẽ đó, nhiều người đang chờ Bkav ra những phiên bản Bphone cho thị trường đại trà (entry level). Tôi kém hy vọng với Bphone ở phân khúc hight-end nhưng lại tin tưởng hơn ở entry level. Bphone hight-end để làm thương hiệu cho Bkav, còn Bphone entry-level mới đem lại lợi nhuận cho họ.