Năm 2015, khoảng 2,8 triệu tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ gia nhập lực lượng lao động của Mỹ. Đây cũng là năm tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hạ xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, 5,4%, theo The Fiscal Times.
Tuy nhiên, Anthony Carnevale, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Lao động thuộc Đại học Georgetown, cho biết, sinh viên vừa ra trường chiếm 40% số người không tìm được việc làm.
Tỷ lệ giảm nhưng tình hình chưa ổn định
Tháng 5/2015, 13,8% người trong độ tuổi từ 19 đến 25 thất nghiệp, giảm so với tỷ lệ 14,2% hồi tháng 1. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này ở mức 15,4%. Đây là chuyển biến tích cực nhưng vẫn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước Mỹ.
Nghiên cứu của trung tâm Carnevale thuộc Đại học Georgetown chỉ ra rằng tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng nhất đối với lao động trong độ tuổi 21 - 25.
Một tân thạc sĩ 25 tuổi yêu cầu giấu tên cho biết, cô đang làm nhân viên phục vụ tại quán rượu trong khi nỗ lực tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành.
"Tìm việc rất khó. Các nhà tuyển dụng không muốn chi thêm tiền để trả cho tấm bằng của người lao động, chưa kể có quá nhiều người bằng cấp cao để họ lựa chọn", cô nói.
Theo Jacqui Martinez, nhân viên phòng tư vấn 31 ở Dallas, sinh viên mới tốt nghiệp không đòi hỏi một công việc tốt, lương cao mà chỉ cần kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì thế, họ thường nhận mức lương thấp.
Tuy nhiên, ngày nay, vấn đề trở nên khó khăn hơn vì sinh viên còn phải kiếm tiền trả nợ. Bên cạnh nguy cơ thất nghiệp, những người thuộc thế hệ sinh từ năm 1980 đến năm 2000 còn phải đối mặt vấn đề học phí cao và nợ sinh viên.
Hiện tại, trung bình mỗi sinh viên gánh khoản nợ 33.000 USD sau khi nhận bằng. Trong khi đó, học phí tại các trường Mỹ không có dấu hiệu giảm. Nợ nhiều khiến họ phải cố gắng tìm công việc lương cao thay vì thỏa hiệp với đồng lương chỉ đủ chi tiêu.
Nhiều người nộp đơn ứng tuyển đến hơn 60 lần mới tìm được một công việc tạm ổn.
Nguyên nhân thất nghiệp
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thất nghiệp là thiếu kinh nghiệm.
Gần 3/4 nhà tuyển dụng phàn nàn rằng, sinh viên vừa tốt nghiệp chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc họ ứng tuyển, dù nó đúng với chuyên ngành họ học. Các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và học giả cũng đưa ra đánh giá tương tự.
62% nhà tuyển dụng khẳng định, họ sẽ không tuyển một người thiếu kinh nghiệm, có thể gây ảnh hưởng hiệu suất của toàn công ty.
Thiếu kỹ năng mềm cũng là vấn đề nghiêm trọng. Theo khảo sát của Trung tâm Giải pháp Lao động thuộc Cao đẳng Cộng đồng St. Louis, hơn 60% nhà tuyển dụng cho rằng, các ứng viên không có kỹ năng giao tiếp và tương tác tốt. Nhiều người khẳng định, phần lớn tân cử nhân, thạc sĩ thiếu khả năng tư duy phê phán, tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và truyền đạt thông tin bằng văn bản.
Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng khiến những người vừa tốt nghiệp khó được các nhà tuyển dụng lựa chọn. Họ còn khó nhận những việc đơn giản, vốn chỉ dành cho người mới vào nghề, vì trong tình trạng thị trường lao động cung nhiều hơn cầu, những người đã có kinh nghiệm cũng sẵn sàng chấp nhận một công việc đơn giản.
Theo Nguyễn Sương