Ngày 28/6, Bộ Giao thông tổ chức hội nghị đối thoại giữa cơ quan quản lý với đại diện các doanh nghiệp taxi truyền thống và đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe bằng công nghệ như Uber, Grab... sau một thời gian cho thí điểm hoạt động này ở một số địa phương. Không khí sự kiện kéo dài vẫn nóng như hàng chục hội nghị, diễn đàn khác bàn về vấn đề này suốt hơn 2 năm qua, song thông điệp mà các bên đưa ra vẫn "lệch sóng", ít hồi đáp những vấn đề cốt lõi được phía còn lại đưa ra.
Taxi truyền thống: Thử nghiệm Uber, Grab vi phạm nhiều quy định
Không khác hội thảo lần đầu được Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) tổ chức hồi tháng 3/2015, xác định mô hình hoạt động của Uber hay Grab là vấn đề được các hãng taxi truyền thống nhắc đến đầu tiên.
Đưa ra bản kiến nghị với hơn 70 chữ ký của các doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Tiến Long, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội nhìn nhận việc thí điểm xe hợp đồng điện tử trên toàn quốc đã vi phạm nhiều quy định. Vị này cho rằng với xe hợp đồng, nhà xe phải báo số lượng hành khách nhưng Uber thì không báo số lượng, danh sách khách...
"Chúng ta cần làm rõ khái niệm Uber, Grab là loại hình phương tiện gì", đại diện doanh nghiệp taxi nêu ý kiến.
"Chúng tôi thấy rằng kế hoạch thí điểm xe hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông vi phạm quy định pháp luật. Đề nghị Bộ dừng ngay kế hoạch này cũng như việc cấp phù hiệu. Hiện nay chúng tôi đang thua đối thủ ngay từ chính sách", ông Nguyễn Tiến Long nhấn mạnh.
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM - một lần nữa nhắc lại Uber và Grab cho rằng mình là công ty công nghệ, trung gian kết nối khách hàng và lái xe... song họ lại tuyển dụng lái xe, quy định giá cước vận tải, thu tiền khách hàng, tổ chức khuyến mãi... Ông này cho rằng đây là công việc của doanh nghiệp vận tải, taxi truyền thống: có gọi xe, sử dụng đồng hồ tính tiền, có hóa đơn...
"Cần nhận diện bản chất Uber, Grab đang kinh doanh gì, xe đang chạy là loại hình gì? Chúng tôi không có chủ trương đối đầu với Grab, Uber song phải nêu các vấn đề vi phạm để các vị sửa. Chấp hành đúng pháp luật mới là cạnh tranh lành mạnh", ông Hỷ gay gắt.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Vinasun không tán thành coi Uber là xe hợp đồng điện tử. "Không thể có xe mỗi ngày thực hiện mấy chục hợp đồng, tính giá theo km và đón khách nội đô như taxi. Phải coi Uber là taxi công nghệ", vị này nói và cho rằng sử dụng thuật ngữ "hợp đồng điện tử" như hiện nay là lách luật.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội và TP HCM đều nêu lo ngại ùn tắc giao thông trên địa bàn khi lượng xe hợp đồng điện tử đang tăng rất nhanh, lần lượt đạt 7.200 và 22.000 xe ở mỗi thành phố. "Chúng tôi đã kiến nghị dừng xe hợp đồng điện tử từ tháng 3 và xin phép được quản lý bằng logo cấp phát. Giờ chưa được phép nên việc quản lý rất bấp bênh, doanh nghiệp chủ động báo cáo chứ Sở Giao thông chưa được quyền chi phối", Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội - Hà Huy Quang nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông cho biết hiện rất thiếu chế tài xử lý vi phạm đối với các xe sử dụng hợp đồng điện tử. "Mô hình này phải xem xét thêm để có điều kiện kinh doanh rõ ràng thì mới quản lý được thuận tiện", ông Quang nêu ý kiến.
Uber, Grab: Chúng tôi không phải doanh nghiệp vận tải
Nhận được nhiều chất vấn về mô hình, hợp đồng điện tử, cách tính cước, thu tiền... song đại diện các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe bằng công nghệ như Uber, Grab một lần nữa không trả lời thẳng vào những vấn đề này.
"Chúng tôi không phải doanh nghiệp vận tải. Chúng tôi là công ty công nghệ nên được phép cung cấp công nghệ ngoài biên giới. Chúng tôi nộp thuế đầy đủ, theo quy định", đại diện Uber nêu quan điểm.
Về số lượng xe tăng nhanh, ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO Grab Việt Nam khẳng định Sở và Bộ đều nắm rõ số lượng xe đang chạy, song con số này là bảo mật nên ông Tuấn Anh cho biết doanh nghiệp sẽ không công bố ra bên ngoài. "Chúng tôi tự tin đóng thuế đầy đủ, luôn có các công văn phản hồi cơ quan chức năng và không làm sai quy định gì", vị này nói.
Sau khi lãnh đạo Grab nêu ý kiến, một số doanh nghiệp taxi truyền thống lập tức yêu cầu đơn vị này giải trình làm rõ 1.000 xe Grab hoạt động "chui" ở Đà Nẵng trong khi chính quyền không cho phép. Trong khi đó, ý kiến của đại diện Uber cũng nhận được phản hồi gay gắt. "Nếu Uber không phải là doanh nghiệp vận tải thì sẽ là doanh nghiệp loại gì, chúng ta cần làm rõ", một đơn vị vận tải nêu quan điểm.
Một sự việc khác trong hoạt động của doanh nghiệp cung cấp hợp đồng điện tử được đích thân Thứ trưởng Giao thông - Nguyễn Hồng Trường, người chủ trì cuộc họp nhắc nhở, là phớt lờ yêu cầu của cơ quan quản lý. Ông Trường cũng nghiêm khắc nêu việc Grab "tưng bừng khai trương" dịch vụ Grabshare (đi chung xe) dù Bộ đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu ngừng triển khai.
"Các anh là người Việt Nam. Khi bộ có văn bản mà vẫn làm là coi thường pháp luật Việt Nam", ông nói và cho biết sẽ công khai các kết quả làm việc để dư luận biết doanh nghiệp tôn trọng luật pháp quốc tế và trong nước hay không.
Thiếu tiếng nói cho quyền lợi người dùng
Trong hơn 4 giờ tranh luận, vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng nhiều lần được nhắc tới, song các bên chủ yếu đề cập ở góc độ có lợi cho cạnh tranh của mình. Cụ thể, đại diện taxi truyền thống cho rằng Uber và Grab liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại "thao túng thị trường", song lại có thời điểm các xe tăng giá dịch vụ gấp 2,3, thậm chí 5 lần như "bắt chẹt" khách hàng. "Có trường hợp hành khách tốn hơn một triệu đồng để đi Uber hơn 10km khi trời mưa gió", lãnh đạo một doanh nghiệp ví dụ.
Phản bác lại, CEO Grab Việt Nam - Nguyễn Tuấn Anh khẳng định khi khuyến mại, doanh nghiệp đều báo cáo Sở Công Thương của các tỉnh thành. Đơn vị cũng sử dụng biểu giá linh động để có thể hạ giá giờ thấp điểm, tăng giá vào giờ cao điểm để tăng thu nhập cho tài xế.
Tuy vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp taxi một lần nữa đề nghị các bộ ngành "thương" doanh nghiệp Việt Nam mà rà soát chính sách. "Họ được thế nào thì chúng tôi được như thế. Bình đẳng với Grab, Uber, chúng tôi sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng", lãnh đạo một doanh nghiệp taxi lớn nêu quan điểm, song lại không đề cập đến những vấn đề nội tại của đơn vị mình như tình trạng khó gọi xe, từ chối vận chuyển quãng đường ngắn hay thái độ của tài xế...
Chốt lại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ Giao thông sẽ làm việc 2 doanh nghiệp Grab và Uber để làm rõ hơn mô hình hoạt động và yêu cầu họ thực thi đúng quy định. Cơ quan này cũng sẽ rà soát lại các quy định để làm rõ loại hình vận tải xe hợp đồng, nghiên cứu lại các điều kiện hoạt động của taxi truyền thống để đảm bảo bình đẳng; đồng thời làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tính toán việc quản lý thuế, chống phá giá...
Thứ trưởng Trường cũng khẳng định Bộ Giao thông đã phân cấp cho các tỉnh, thành được tự điều tiết số lượng xe hợp đồng phụ thuộc tổ chức giao thông của địa phương. Như vậy, Hà Nội, TP HCM được tự quản lý, khống chế số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động mà không phải kiến nghị Bộ Giao thông.