Không rõ Zuckerberg có phải là fan của Iron Man không nhưng cái cách anh đặt tên cho hệ thống AI là Jarvis cho thấy ông chủ Facebook thực sự có tham vọng xây dựng một siêu trợ lý trí tuệ nhân tạo ngay trong căn nhà của mình.
Và Zuckerberg muốn trở thành một Tony Stark ngoài đời chứ không phải trong phim Người sắt. Là ông chủ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Zuckerberg có đầy đủ nguồn lực trong tay để thực hiện tham vọng của mình.
Ban đầu, Zuckerberg chỉ đặt ra các mục tiêu đơn giản cho công trình AI của mình, như chơi nhạc, tắt/mở đèn trong nhà, điều chỉnh nhiệt độ… Những tác vụ tưởng chừng đơn giản này hóa ra lại khá phức tạp.
Zuckerberg dành trọn năm 2016 để nâng cấp hệ thống Jarvis và anh ít khi tiết lộ về tiến triển công việc. Chính anh, chứ không phải ai khác, đã tự tay nâng cấp Jarvis bằng những hiểu biết sâu sắc về công nghệ của mình.
Sử dụng các ngôn ngữ lập trình Objective C, PHP và Python, về cơ bản hệ thống trí tuệ nhân tạo Jarvis của Zuckerberg có thể coi là phiên bản siêu thông minh của Amazon Alexa hay Google Home.
Jarvis có thể điều khiển một số thiết bị thông minh trong căn nhà của Zuckerberg, như hệ thống chiếu sáng Crestron, thiết lập Sonoss và Spotify, hệ thống camera Nest để theo dõi con gái.
Zuckerberg cho biết phần "xương xẩu" nhất chính là thiết lập cơ chế cho mỗi hệ thống trong căn nhà thông minh có thể giao tiếp hiệu quả với nhau.
"Trước khi xây dựng bất cứ AI nào, tôi đều phải viết mã để kết nối các hệ thống này lại với nhau. Tuy nhiên, mỗi hệ thống lại sử dụng ngôn ngữ và giao thức khác nhau", Zuckerberg cho biết.
Zuckerberg đã sử dụng hệ thống Crestron cho chiếu sáng, điều chỉnh nhiệt độ và đóng/mở cửa ra vào, hệ thống Sonos kế hợp với Spotify cho nghe nhạc, TV Samsung và camera Nest cho Max (con gái của Zuckerberg), và tất nhiên cả việc kết nối tới hệ thống của Facebook.
Với một hệ thống phức hợp như thế, Zuckerberg buộc phải xây dựng lại các giao diện lập trình ứng dụng (API) của từng hệ thống để anh có thể ngồi một chỗ ra lệnh cho máy tính bật đèn hoặc phát bài hát yêu thích nào đó.
Sau khi vượt qua các thử thách trên, Zuckerberg tập trung theo hướng cho phép Jarvis có thể lắng nghe và trao đổi các câu hội thoại đơn giản. Để làm được điều này, hệ thống Jarvis phải có phương pháp nhận tin nhắn và phiên dịch lời nói.
Zuckerberg cho biết Jarvis đang tiếp nhận lệnh tin nhắn nhiều hơn mức anh kỳ vọng. Ở thời điển hiện tại, khả năng nhận lệnh tin nhắn của Jarvis đang vượt trội so với khả năng nhận lệnh bằng lời nói.
Và điều này, theo Zuckerberg, cũng có cái lợi riêng bởi anh có thể ra lệnh cho hệ thống mà không làm phiền tới người xung quanh.
Zuckerberg đã xây dựng hẳn một hệ thống Messenger chuyên để trao đổi tin nhắn cho Jarvis. Nó cho phép anh có thể chat với hệ thống dù ở bất cứ đâu.
Khả năng này không chỉ cho phép anh có thể bật đèn từ xa mà có thể theo dõi những gì đang diễn ra trong căn nhà. Chẳng hạn, kết hợp với tính năng nhận diện giọng nói và khuôn mặt, Jarvis có thể thông báo cho Zuckerberg ai đã đến nhà mình, cả người quen lẫn không quen.
Ngoài ra, nếu hệ thống nhận diện được người quen, nó sẽ tự động cho họ vào, tất nhiên là sau khi đã chụp ảnh và được phép của ông chủ thông qua ứng dụng Messenge.
Hiện tại, Jarvis vẫn chưa hoàn thiện. Trong cuộc thử nghiệm gần nhất, Zuckerberg đã phải thử tới 4 lần mới tắt được đèn. Tuy nhiên, Zuckerberg cho biết anh sẽ tiếp tục dành thời gian và nguồn lực để cải thiện công cụ này.
Thực tế, ngày nào Zuckerberg cũng sử dụng Jarvis giúp hệ thống làm quen với lệnh điều khiển và cũng là cách làm cho nó dần trở nên thông minh hơn.
Zuckerberg hiện sử dụng iPhone để điều khiển Jarvis. Tuy nhiên, anh đang có kế hoạch bổ sung thêm khả năng điều khiển qua thiết bị Android, đồng thời cải thiện khả năng nhận diện giọng nói của Jarvis.
Vẫn cần thêm thời gian để hoàn hiện nhưng với những gì đang thể hiện, có thể nói Jarvis là hệ thống AI cá nhân thông minh nhất hiện nay.
Zuckerberg có tham vọng chia sẻ Jarvis với thế giới công nghệ. Anh cho biết sẽ công khai mã nguồn giúp tạo nên những đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.