Mới đây, báo chí Mỹ đưa tin, một chuyên gia xe hơi của Ford nhận định, xu hướng xe điện có thể thay đổi thế giới và ngành ô tô trong tương lai gần. Xe điện sẽ đe dọa sự thống trị của vị thế các hãng xe truyền thống tên tuổi trên thế giới.
Một chiếc xe điện đang sạc tại Mỹ
"Xe điện là tương lai"
Bằng chứng là hãng Tesla (Mỹ) từ tên tuổi xe điện nhỏ bé ít người biết đến, nay trong thế giới ô tô, Tesla được mặc định là tên tuổi xe điện hàng đầu của thế giới với sự làm chủ công nghệ nạp pin và động cơ điện. Tiếp đó là các đại gia ô tô truyền thông đã chuyển hướng trọng tâm vào xe điện như: Nissan với dòng xe Leaf đang chiếm lĩnh lượng tiêu thụ lớn tại thị trường xe điện Mỹ trong thời gian dài.
Tại Đức, Pháp, Anh, nơi có nhiều tập đoàn xe hơi nổi tiếng của thế giới như Audi, Porsche, Reault đang hiện thực hóa các kế hoạch phát triển xe điện khắp nơi trên thế giới, với việc ra đời những dòng xe sang sử dụng động cơ điện với công nghệ sạc điện siêu nhanh và thời gian chạy điện lâu hơn.
Tại Triển lãm ô tô Paris diễn ra cuối năm 2016, trong hơn 230 hãng ô tô trên thế giới, đã có hơn 70 mẫu xe điện được trưng bày. Theo giới chức Pháp, tính đến thời điểm triển lãm diễn ra, nước này đã tiêu thụ hơn 100.000 xe ô tô điện
Ông Matthias Müller, Tổng Giám đốc tập đoàn Volkswagen (Đức) cho biết, từ nay đến 2025, tập đoàn xe nổi tiếng nhất thế giới này sẽ phát triển 30 loại xe điện, đồng thời khẳng định: "Xe điện là tương lai"
Tại Pháp, để khuyến khích tiêu dùng xe điện, Chính phủ nước này phát động chương trình "siêu thưởng" giá trị 10.000 euro cho những ai đồng ý loại bỏ chiếc ô tô động cơ diesel của mình đã có thời gian sử dụng trên 10 năm để mua mới xe ô tô điện.
Tại Nhật Bản, hãng xe Mitsubishi có mẫu xe i MiEV có lợi thế cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe lai điện - xăng như Hybrid của Toyota và Honda, Suzuki.
Tại Hàn Quốc, công nghệ truyền tải điện không dây trong xe điện được khác thác mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ xe điện lớn hàng đầu thế giới, đang được kỳ vọng là "công xưởng" ô tô điện của thế giới khi có nhiều tập đoàn xe điện đặt nhà máy như: Volvo, Tesla, Audi hay các thương hiệu của Volkswagen.
Ở ASEAN, vốn được coi là vùng trũng của ngành công nghiệp xe hơi thế giới, tuy nhiên Thái Lan, Philipinese cũng đã có những chiếc lược phát triển xe điện riêng của nước mình và yêu cầu các liên doanh nước ngoài tham gia vào quá trình điện hóa công nghiệp ô tô.
Bằng chứng mới nhất là năm 2016, tại Thái Lan, Tập đoàn Dầu khí PTT của Thái Lan đã ký Bản ghi nhớ với 6 nhà sản xuất ô tô, theo đó cam kết xây dựng các trạm sạc điện cho ô tô chạy bằng điện. Đây là bước cụ thể hóa rất rõ rệt để tạo hạ tầng cho xe điện phát triển ở đất nước Chùa tháp. Đáng nói, các nhà sản xuất ô tô tham gia ký kết đều là những đại gia ô tô như: BMW, Mercedes Benz, Mitsubishi Motors, Nissan, Porchhe và Volvo.
Việt Nam, xe điện còn tranh cãi và thiếu chiến lược cụ thể
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Chính phủ phê duyệt năm 2014, Việt Nam cũng không đặt ra thời gian biểu cụ thể cho phát triển xe điện. Mục tiêu của ngành ô tô Việt Nam từ nay đến năm 2035 vẫn đặt trọng tâm vào tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo đó, nội địa hóa ngành ô tô trong năm 2025 đạt 70% đối với xe lắp ráp trong nước (đối với xe dưới 9 chỗ), năm 2035 là 78%.
Trong chiến lược phát triển xe hơi, Chính phủ chỉ mới đưa ra định hướng: Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe Hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện. Tuy nhiên, định hướng chung này chưa giao việc cho liên doanh hoặc hãng xe trong nước nào. Trong khi đó, các hãng liên doanh ô tô và các hãng xe trong nội địa đã và đang thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế tại Việt Nam.
Về lý thuyết, tiêu dùng xe điện đang được Việt Nam ưu đãi thuế lớn khi loại xe điện, xe xanh được giảm 20% số thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) so với xe thông thường. Tuy vậy, trên thực tế, do các bộ ngành vẫn có cách hiểu khác nhau về xe điện, xe lai điện - xăng (hybrid), khiến cho những dòng xe xanh vẫn bị áp thuế rất cao, tiêu thụ ít.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều tranh luận xe điện có thực sự rẻ và thân thiện với môi trường. Bởi hiện điện năng tại Việt Nam phần lớn sản xuất từ nhiệt điện (than đá, dầu - khí) hoặc từ thủy điện. Giá thành điện vẫn cao, trong khi đó điện than phát thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường; thủy điện khai thác quá nhiều khiến mất cân bằng thủy lưu và gây hạn hán cho các đồng bằng.
Nhiều ý kiến cho rằng, xe điện chỉ thực sự giá rẻ, thân thiện với môi trường khi ở các nước sản xuất được điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giá rẻ như: điện sinh khối (nhiệt năng từ đốt rác thải, phế liệu), năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hạt nhân.