Hội nghề cá cho biết sẽ phối hợp tư vấn cho trang trại Hải Thanh Koi Farm để tiếp tục nhân rộng mô hình này do phù hợp với định hướng phát triển của nghành du lịch đường sông. Những con cá koi “khủng” sẽ được trưng bày cho khách tham quan, du khách chiêm ngưỡng.
Du khách sẽ được tham quan quy trình sản xuất cá hiện đại, được hướng dẫn cách làm hồ nuôi, cách chọn cá đẹp, cách nuôi cá, chăm sóc cá… Ngoài ra, khách tham quan sẽ được tự mình hái cây trái trong vườn, nghỉ ngơi, dùng ẩm thực đặc trưng của các vùng miền khi tham quan tại trang trại.
Ông Trần Đình Vĩnh - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản TP HCM, cho biết hiện tại kim nghạch xuất khẩu cá cảnh tại TP HCM là khoảng 20 triệu USD chứng tỏ cá cảnh là vật nuôi có hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong thời gian tới, chi cục thủy sản sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị tham gia sản xuất loại hình này. Nếu đơn vị nào kết hợp sản xuất và du lịch đi song song là điều rất đáng mừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện mỗi năm, các tour du lịch từ trung tâm TP HCM đến huyện Củ Chi hay các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh thu hút khoảng 15.000 khách.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó chủ tịch huyện Củ Chi, cho biết UBND huyện rất ủng hộ mô hình du lịch trang trại cá cảnh của Hải Thanh. Huyện Củ Chi có quy hoạch 4.650 ha đất nằm ven sông chảy qua địa bàn 8 xã từ Bình Mỹ đến xã Phú Mỹ Hưng để phát triển du lịch. Các trang trại, điểm tham quan nằm trong địa phận quy hoạch được khuyến khích phát triển thành các điểm dừng chân, tham quan của du khách.
Cá koi là quốc ngư của Nhật Bản. Tuy nhiên, sau hàng chục năm nghiên cứu, phát triển, các đơn vị nuôi cá cảnh tại Việt Nam đã sản xuất thành công loài cá này với tiêu chuẩn không thua kém gì các nước trên thế giới.