UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có buổi làm việc với Công ty xây dựng Xuân Trường nhằm thống nhất các nội dung liên quan đến dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (chủ đầu tư dự án) đã báo cáo lãnh đạo địa phương về ý tưởng thiết kế, xây dựng Chùa Tháp trong tổng thể của dự án thành phần. Theo đó, Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng rộng 10.000m2. Công trình này có thể chứa được từ 5.000 đến 10.000 người trong cùng một thời điểm.
Ông Trường cho biết phần đổ bê tông thô của Chùa Tháp sẽ do thợ Việt Nam đảm nhiệm. Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp (tượng Phật, 12.000 bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật…) sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonesia và Ấn Độ chế tác tại các quốc gia này, sau đó mới đưa về Tháp để lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Dự kiến, công trình đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãn cảnh, bái Phật và Chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Theo thiết kế của doanh nghiệp, Chùa Tháp tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một trong những Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.
Dự án tâm linh Hồ Núi Cốc được khởi công vào tháng 2, có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng gồm nhiều công trình, hạng mục và được đầu tư trong 20 năm, theo hai giai đoạn. Giai đoạn một từ 2016 đến 2020, giai đoạn 2 từ 2020 đến 2035.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) được giao làm chủ đầu tư dự án. Đơn vị này từng làm chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh như dự án Quần thể khu du lịch Tràng An – Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).