Nhiều người dễ dàng tìm cho mình 1 chiếc ô tô cũ chất lượng tốt và hợp túi tiền. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người mua có thể bị lừa, mất toi hàng trăm triệu đồng.
Nguyễn Minh Quang, trước đây từng kinh doanh xe cũ, cho biết có nhiều chiêu lừa của dân kinh doanh xe cũ khiến cả người bán lẫn người mua xe điêu đứng. Đặc biệt, càng vào lúc kinh doanh khó khăn, thì các chiêu lừa để chiếm đoạt tiền càng dễ được áp dụng.
Nghiễm nhiên "ôm" tiền cả bên bán, bên mua
Cách lừa thứ nhất, khi có người mang xe đến bán, chủ cửa hàng nói để xe lại và cầm giấy tờ về, khi nào có người mua, anh ta gọi thì mang giấy tờ tới và nhận tiền. Sau đó, chiếc xe thường được rao bán với giá thấp hơn giá người bán đưa ra và tất nhiên, thấp hơn giá thị trường.
Chẳng hạn, 1 chiếc Lexus RX 350 người bán đòi giá khoảng 2 tỉ đồng, nhưng sau đó cửa hàng kinh doanh xe cũ chỉ rao bán khoảng 1,8 tỉ đồng.
Thấy rẻ hơn giá thực cả trăm triệu, nhiều người muốn mua. Khi đó, chủ cửa hàng sẽ yêu cầu trả trước khoảng 90% số tiền (tầm 1,6 tỉ đồng) và lấy xe về, khi nào giao giấy tờ thì trả nốt 10% còn lại. Khi đã cầm trong tay 1,6 tỉ đồng, chủ cửa hàng sẽ gọi người bán xe đến, trả trước khoảng 1 tỉ đồng và nói người mua thiếu tiền, phải làm thủ tục vay ngân hàng, 15 ngày sau sẽ trả nốt 1 tỉ nữa.
Tuy nhiên, sau 15 ngày chẳng thấy người mua trả nốt tiền, người bán sẽ đến đòi chủ cửa hàng. Lúc này, chủ cửa hàng mới cho người bán và người mua gặp nhau. Khi đó, họ mới té ngửa là người bán đòi 2 tỉ đồng mới bán xe, còn người mua đã trả 1,6 tỉ đồng rồi trong khi bên bán mới nhận được 1 tỉ đồng.
Quay lại tìm chủ cửa hàng thì người này nói, do khó khăn nên mượn tạm số tiền 600 triệu đồng giải quyết việc khác, hứa sẽ trả lại nhưng giờ chưa có. Tố cáo ra pháp luật thì chiếc xe trên sẽ bị coi là tang vật của vụ án và sẽ phải niêm phong thu giữ.
Quá trình điều tra, xử án càng kéo dài, chiếc xe càng để lâu càng xuống cấp và giá trị sẽ giảm. Vì vậy, người bán và người mua đều không muốn tố cáo ra pháp luật, mà tự thỏa thuận với nhau và đành chấp nhận cho chủ cửa hàng nợ 600 triệu, sẽ đòi sau.
Tuy nhiên, hầu như chẳng ai đòi được số tiền này vì người ta không chịu trả, vì kinh doanh khó khăn nên làm liều. Muốn bắt nợ bằng những chiếc xe khác đang bày bán tại cửa hàng, cũng không hề đơn giản, bởi giá bán sẽ bị đẩy lên cao đến mức phi lý khó có thể chấp nhận.
Không chỉ khách hàng đi mua xe cũ ham rẻ, ngay nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ lọc lõi cũng bị chính những bạn hàng của mình dùng chiêu này để lừa, nhất là đối với những chiếc xe đắt tiền. Với chiêu này, nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ phải ôm hận khi bị bạn hàng lừa mất cả tỉ đồng, anh Quang cho biết.
Đem xe của khách cắm ngân hàng
Một chiêu lừa nữa thường xảy ra với xe sang, đó là kẻ lừa đảo mang chiếc xe của khách đi làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Chẳng hạn, cũng chiếc Lexus RX 350 có giá khoảng 2 tỉ đồng, sẽ được đem thế chấp vay khoảng 1 tỉ đồng từ ngân hàng. Làm thủ tục vay xong, ngân hàng thường giữ lại giấy tờ, còn xe vẫn để cho khách sử dụng.
Lợi dụng sơ hở này, kẻ lừa đảo sẽ tìm mua 1 chiếc xe không nguồn gốc, thường là xe nhập lậu, cùng thương hiệu, chủng loại (thực ra đã tìm mua trước khi vay tiền) giá thường rất rẻ. Sau đó, sẽ thuê các cơ sở cơ khí bắn lại số khung số máy cho trùng với chiếc xe đang cầm cố rồi rao bán. Khách mua, có khi chỉ cần mang 1 tỉ đồng đến trả cho ngân hàng và lấy giấy tờ xe về, cứ tưởng đó là xe thật và mua được với giá hời.
Còn chiếc xe thật sẽ được kẻ lừa đảo báo mất giấy tờ và lên xin cấp lại giấy tờ, sau đó cũng nhanh chóng bán cho người khác. Nhiều khách hàng đã bị lừa bởi chiêu này mà không hề biết cho tới khi đi đăng kiểm.
Kiểu xe "chồng xác"
Chiêu lừa thứ 3 là xe "chồng xác". Hiện tượng này không phải là mới và từng bị phát hiện nhiều lần trước đây. Tức là, kẻ lừa đảo dùng giấy tờ của những chiếc xe bị tai nạn hay xe cũ nát, sau đó mua xe nhập lậu về bắn lại số khung số máy và chỉnh sửa giấy tờ cho phù hợp rồi đem bán. Nhiều người không biết dễ mua phải.
Vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện 32 chiếc xe dạng này, chủ yếu là xe Lexus. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi: xe cũ biển 4 số đổi sang biển 5 số, sử dụng các giấy tờ giả như giấy công chứng quyết định thanh lý, bán đấu giá xe, giấy hẹn lấy đăng ký xe, để tiến hành đăng kiểm lần đầu cho xe sang tên đổi chủ.
Theo anh Minh, việc bắn lại số khung số máy trên ô tô hiện không khó. Sau khi mài, tẩy hết số khung số máy cũ, sẽ bả lên 1 lớp matit, sau đó bắn số khung số máy mới chồng lên. Số khung số máy mới chỉ được bắn chồng lên phần matit vừa bả, nhưng rất khó phát hiện và tồn tại được trong vòng 2 năm nên dễ dàng qua mắt khách hàng.
Do vậy, anh Minh khuyến cáo khi mua xe cũ nên thận trọng, nhất là với những xe sang có giá trị cao; chỉ nên mua với những người bán tin cậy hoặc các cửa hàng tin cậy, có bảo hành, có cam kết chịu trách nhiệm về chiếc xe bán ra. Hãy cẩn thận với những xe có giá rẻ bất ngờ và không có giấy tờ kèm theo. Cần kiểm tra kỹ số khung, số máy và giấy tờ để loại bỏ hiện tượng giấy tờ giả, xe giả...