Cụ thể, nhóm phân tích của Credit Suisse đưa ra biểu đồ cho thấy Apple hiện cung cấp đến 23 phiên bản iPhone, gồm những sản phẩm mới, sản phẩm cũ, kích thước khác nhau, bộ nhớ trong khác nhau trên mức giá khác nhau.
Điều này giống như những gì Samsung và nhiều nhà sản xuất Android khác đã làm. Điện thoại Android có sự cạnh tranh về giá, vì vậy các nhà cung cấp có xu hướng cung cấp ra nhiều sản phẩm ở mức giá và kích cỡ khác nhau để phù hợp với túi tiền của mọi người.
Có đến 23 phiên bản iPhone đang được Apple bán ở mức giá dao động từ 300 USD đến 950 USD - Ảnh: Credit Suisse
Ngay cả iPhone SE ra mắt tuần trước đã khiến giới công nghệ phải “ngao ngán”, vì nó chỉ đơn giản là một iPhone 6S nhồi trong một chiếc iPhone 5S. Hay nói cách khác, đó là một chiếc điện thoại ra mắt năm 2013 với công nghệ của năm 2015. Nhưng điểm quan trọng nhất mà giới phân tích nhận ra chính là Apple đang bán một iPhone thực sự rẻ, giá thấp hơn trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hãng so với trước đây.
Trong nhiều năm qua, cạnh tranh về giá cả là điều mà Apple không ưu tiên. Các iFan (cộng đồng người dùng thiết bị iOS) cho rằng chỉ có Apple làm iPhone, trải nghiệm iPhone là duy nhất và tốt hơn so với Android. Do đó, Apple có thể tính phí iPhone cao hơn, là lý do tại sao Apple kiếm được một nguồn lợi nhuận cực lớn trên thị trường smartphone.
Các nhà sản xuất Android hiếm khi kiếm được nhiều lợi nhuận bởi vì họ không thể mang đến một trải nghiệm độc đáo, do đó họ phải buộc cạnh tranh về giá. Về cơ bản, phương châm của Apple là để những người dùng cao cấp mới đủ khả năng mua iPhone, còn Android là dành cho những người khác.
iPhone SE chỉ là một chiếc iPhone 5S già cỗi với phần cứng của iPhone 6S - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, đến nay Apple dường như đã phải chuyển sang chính sách cạnh tranh về giá cả. Như lời hai nhà phân tích của Enders Analysis là Matti Littunen và Joseph Evans nhận xét: “Ở thời điểm hiện tại, mối quan tâm của nhà đầu tư chính là doanh số bán iPhone đã chậm đi. iPhone SE đánh dấu sự thay đổi đầu tiên trong chiến lược của Apple đối với iPhone.
Tỷ suất lợi nhuận của thiết bị dường như đã được thu nhỏ lại. Apple đã phải phụ thuộc vào sản phẩm cũ và các thiết bị đã qua sử dụng để cạnh tranh với Android trên phân khúc thị trường mà người dùng không đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm cao cấp”.
Nhà phân tích Steven Milunovich của UBS cũng đưa ra nhận xét tương tự. Ông cho rằng chiến lược của Apple bây giờ là cung cấp công nghệ tốt hơn ở mức giá thấp hơn. Đó là một sự thay đổi lớn đối với Apple. Apple hiện cố gắng cung cấp một điện thoại sở hữu cấu hình cao hơn so với một điện thoại Android tầm trung ở một mức giá tương đương.
Nó sẽ hấp dẫn người dùng ở thị trường đang phát triển, hay chỉ đơn giản là không có nhiều tiền. Đối với nhóm thị trường này, họ muốn mua một điện thoại tốt nhất, miễn là đủ khả năng chi trả tiền để mua nó. Gần đây, Android thống trị thị trường đang phát triển, và đó là chiến lược của Samsung. Bán được rất nhiều điện thoại ở các mức giá khác nhau.
Apple đã phải thay đổi chính sách giá bán iPhone để hướng đến phân khúc thấp hơn - Ảnh: Reuters
Mặc dù, Apple đã thay đổi một chút so với cách làm của Samsung, nhưng rõ ràng công ty của Mỹ đang có các chiến lược giống như Samsung làm trước đó. Điện thoại của Samsung nổi tiếng là phablet màn hình lớn, và sau đó Apple đã ra mắt iPhone 6 Plus vào năm 2014. Samsung cũng đã tung ra smartwatch trước khi Apple ra mắt Watch.
Có một lý do khác khiến Apple đột nhiên thay đổi chiến lược của mình, đó là vì tăng trưởng doanh số cao tại thị trường phát triển đã qua, khách hàng mới còn lại chỉ là những người đến từ những nước nghèo hoặc đang phát triển. Đó chính là thị trường mà doanh số điện thoại sẽ tăng trong thời gian tới.