Bấm còi mọi lúc, mọi nơi
Có thể nói, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, từ tờ mờ sáng cho đến khuya, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe tiếng còi ô tô. Không ít người xem việc bóp còi là thú tiêu khiển khi ngồi sau vô lăng.
Cánh tài xế xe tải hay xe khách thì coi còi hơi là vũ khí lợi hại mở đường khi tham gia giao thông. Khá nhiều tài xế xe máy lạnh sang trọng nhưng một chút lịch sự tối thiểu cũng chưa có: Đi trong thành phố cứ vô tư "bim bim" chói tai những người đang trần mình dưới cái nắng oi nồng, bụi bặm của đô thị.
Tình cảnh khá phổ biến khi đi bên cạnh hay phía trước xe tải, đột nhiên bị giật bắn người, loạng choạng tay lái vì bị thứ âm thanh có âm lượng rất lớn dội vào tai. Đó là khi chiếc còi hơi "ra oai" chứ không phải để báo hiệu hay xin đường.
Đây không dừng lại ở "lỗi văn hóa còi" mà còn là sự an toàn cho những người tham gia giao thông. Nếu còi hơi âm lượng lớn vẫn được thoải mái sử dụng trên đường phố thì còn không biết bao nhiêu người tham gia giao thông bị tra tấn, tổn hại đến sức khỏe, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không chỉ lúc đang chạy, nhiều tài xế xe hơi (nhất là taxi và xe buýt) vẫn thường bày tỏ sự sốt ruột khi dừng đèn đỏ bằng tiếng còi inh ỏi trong lúc đồng hồ đếm ngược đang ở giây thứ 5 thứ 7 trước khi chuyển sang đèn xanh.
Về "văn hóa còi", anh chàng Joe "Dâu Tây", người Canada đã nhiều năm sống ở Việt Nam ví von: "Đi trên đường phố Việt Nam giống như bạn đang nghe bản giao hưởng của những tiếng còi".
Theo Joe, ở các nước tiên tiến, bấm còi được xem như hành vi mất lịch sự, thông thường cảnh sát mới sử dụng còi xe. Một ông Tây "ba lô” khác đã đúc kết kinh nghiệm khi du lịch Việt Nam: "Ở Việt Nam, bạn lái xe hơi không cần phanh, chỉ cần còi"(!)
Hút thuốc, xả rác, chửi thề, giành đường
Chạy trên đường, rất nhiều tài xế xe khách, taxi và cả xe du lịch hạng sang thường vứt rác (vỏ chai nước, túi nylon đựng rác.) thẳng xuống đường. Tệ hơn nữa là vừa hút thuốc, vừa vẩy tàn bay tứ tán vào mặt người đi đường, hút xong búng vèo mẩu tàn thuốc qua cửa xe, trúng ai không cần biết.
Người viết được chứng kiến chuyện về "văn hóa đi xe" chỉ có ở Việt Nam: Một chiếc taxi dừng ngay giữa đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM bỏ mặc khách trên xe vì lái xe còn bận đánh nhau với người đi xe máy, hai bên liên tục phát ra những lời lẽ chối tai. Khó chịu trước cách hành xử của tài xế taxi, hai khách đi xe đành gọi chiếc khác.
Một thói quen không tốt khác của lái xe thường thấy tại trung tâm TP.HCM, không nhường đường cho người đi bộ, dù đó là người già hay trẻ em. Điển hình tại các khu tham quan như Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nhà thờ Đức Bà., khách du lịch cả ta lẫn Tây đều phải đứng ngây chờ, nhường đường cho ô tô.
Dùng đèn độ chế, bật chế độ pha
Để an toàn, khi chạy trên quốc lộ, đặc biệt là những khúc không có đèn đường, tài xế thường dùng đèn pha để dễ quan sát, nhưng khi thấy xe đi ngược chiều thì phải chuyển sang đèn cốt ngay để không làm người điều khiển phương tiện chói mắt, khó xử lý tình huống khi có sự cố.
Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng thực hiện như vậy, điển hình là cánh lái xe tải lớn, ỷ thế mình "ngồi trên" nên các bác tài này thường xuyên pha đèn dù người lái đối diện có ra hiệu xin bật đèn xuống thấp. Đây là hành vi gây nguy hiểm khi tham gia giao thông, nhiều tài xế đã lạc tay lái, gây ra tai nạn do bị chói mắt.
Đem chuyện này ra nói, nhiều tài xế lập luận rằng, lái xe khác không chạy đèn cốt, sao mình phải nhường(?). Vì thế chuyện "cứ pha mình đi" vẫn phổ biến.
Hầu hết đèn trước ô tô đời mới đều được trang bị bóng xenon, cho ánh sáng xanh rất mạnh. Vì thế, khi sử dụng loại bóng đèn này phải luôn đi cùng cụm gương cầu phản chiếu để ánh sáng không tỏa rộng và chiếu vào mặt người đi ngược chiều.
Thế nhưng, nhiều chủ xe đã sử dụng vô tội vạ loại bóng này với chụp, chóa đèn thông thường làm người đi đường lóa mắt và có thể ảnh hưởng thị lực về lâu dài.
Cơ quan Đăng kiểm không làm thủ tục đăng kiểm những chiếc xe độ lại đèn, gắn thêm đèn không đúng với xe của nhà sản xuất, nhưng nó chẳng có tác dụng vì chỉ cần lắp lại bộ đèn cũ hay cùng lắm là mượn đèn nguyên bản thay vào lúc đi đăng kiểm, xong rồi lắp đèn đã độ vào như bình thường.
Phạt chưa đủ mạnh
Không hiểu sao xe tải lại có thể ung dung sử dụng còi hơi âm lượng rất lớn khi tham gia giao thông trong nội thị, nơi rất đông đúc người đi lại, khoảng cách giữa các phương tiện khá hẹp mà chưa bị xử phạt? Luật Giao thông Đường bộ quy định cấm sử dụng còi hơi trong thành phố: Ngoài những xe đang thi hành nhiệm vụ, theo quy định, cấm bóp còi từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Thế nhưng, quy định này không được mấy người lái xe tuân theo! Có rất nhiều lái xe bị xử phạt vì các lỗi chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, dừng, đỗ sai làn đường, đi vào đường một chiều. nhưng dường như chưa lái xe nào bị phạt vì sử dụng còi có âm lượng lớn ở nội thành. Nên chăng, tại đầu mỗi con đường dẫn vào nội thành phải đặt bảng báo "Cấm sử dụng còi hơi trong thành phố” nhằm nhắc nhở lái xe, nếu cố tình vi phạm, phạt thật nặng để răn đe.
Thói quen không tốt của một số tài xế: - Nhá đèn liên tục, bấm còi ầm ĩ phía sau xe khác khi chưa được nhường đường, khi vượt lên được thì tạt đầu trả đũa. - Dừng đèn đỏ sai làn đường, đến khi đèn xanh thì lấn để ép xe khác. - Đèn đỏ chưa hết vẫn bấm còi liên tục. - Chạy sai tuyến, va chạm với người khác nhưng cự cãi, không xin lỗi. - Không nhường đường mặc dù đường đang trống. - Để đèn quá sáng hoặc cứ bật pha khi có xe đối diện. - Phóng ào qua vũng nước làm người đi bộ và xe hai bánh ướt bẩn từ đầu đến chân. - Tùy tiện dừng giữa đường làm ách tắc giao thông. - Dừng ngay các ngã rẽ che tầm nhìn người khác. |