Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, nửa đầu 2017 toàn thị trường bán 134.268 xe, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ 2016 là 135.886 xe. Nhưng thực tế lượng giảm này chủ yếu nằm ở xe thương mại, vì xe con vẫn tăng trưởng. Toàn ngành bán 79.399 xe con, trong khi nửa đầu 2016 là 74.488, mức tăng gần 5.000 xe, tương đương 6,7%.
Tính riêng các thành viên VAMA, lượng xe con cũng tăng từ 67.126 trong nửa đầu 2016 lên 74.438 trong nửa đầu 2017, mức tăng 11%. Lượng tăng không quá đột biến như của 2016 so với 2015 nhưng kết quả bán hàng cho thấy, người Việt vẫn đua nhau sắm xe hơi.
Thị trường xe con vẫn tăng trưởng trong nửa đầu 2017 so với cùng kỳ 2016.
Khách hàng Việt đang có tâm lý chờ đợi tới 2018 mới mua xe với quan điểm giá sẽ giảm do ảnh hưởng của thuế nhập khẩu xe từ ASEAN. Để chống lại hiệu ứng tiêu cực này, các hãng tìm mọi cách khuyến mãi, giảm giá xe nhằm kéo khách trở lại với showroom. Kết quả là doanh số xe con vẫn tăng trưởng.
Điểm đặc biệt trong doanh số nửa đầu 2017 khác với những năm trước là lượng xe lắp ráp giảm. So với nửa đầu 2016, xe lắp ráp trong nước giảm 6% trong khi xe nhập khẩu tăng 15%. Đây là kết quả được dự đoán từ trước, khi các hãng có xu hướng chuyển nhiều mẫu xe từ lắp ráp sang nhập khẩu như Toyota Fortuner, Honda Civic hay thêm các dòng xe nhập khẩu mới về thị trường Việt như Isuzu mu-X, Ford Explorer, Suzuki Ciaz...
Về thị phần, Trường Hải vẫn giữ vị trí đầu bảng với 38,1% (47.866 xe), Toyota đứng thứ 2 với 23,6% (29.638 xe). Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở thị trường xe con, Toyota mới là cái tên đứng đầu với 29.491 xe, trong khi Trường Hải bán 24.997 xe (Kia 11.920 xe, Mazda 12.936 xe và Peugeot 141 xe). Kết thúc 2016, doanh số xe con của Trường Hải vượt Toyota nhưng sang nửa đầu 2017, Toyota đã lấy lại vị trí này.
Doanh số của Toyota và Trường Hải trong nửa đầu 2017.
Đại diện Trường Hải cho biết, kết quả này trong ngắn hạn, chưa thể nói lên tất cả những tính toán cho dài hạn của của mỗi hãng. Trong nửa đầu năm, ông lớn này cũng không có sản phẩm mới (all-new) mà chỉ là các phiên bản nâng cấp (facelift), trong khi đối thủ Toyota có Fortuner mới nhập khẩu từ Indonesia, tạo cú hích lớn về mặt doanh số.
Theo các chuyên gia trong ngành, ở nửa đầu, các hãng có xe nhập khẩu thường đợi thời điểm thông quan sang 2017 để hưởng thuế giảm, vì vậy một phần doanh số lẽ ra nằm ở cuối 2016 đã chuyển sang đầu 2017, giúp doanh số năm nay tăng trưởng. Những chiến dịch lớn có thể sẽ dành cho cuối 2017 và sang đầu 2018. Tuy vậy, các hãng vẫn cho rằng thị trường 2017 sẽ tăng 10% so với 2016.