Năm 2016, lãnh đạo các hãng xe ở Việt Nam tỏ ra dè dặt khi nhận những câu hỏi về việc "liệu giá xe có giảm vào 2017-2018" từ báo chí. Lý do chung nhất, là ngoài các mức thuế phí, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá xe, như tỷ giá và các loại chi phí bán hàng. Vì vậy, thuế giảm không đồng nghĩa với giá xe giảm.
Cuộc đua giảm giá đã bắt đầu
Nhưng từ nửa cuối 2016, lần lượt mỗi hãng không có lựa chọn nào khác khi phải cuốn theo cuộc chơi giảm giá mà Trường Hải châm ngòi. Mazda và Kia có những mức giảm cả trăm triệu khiến khách hàng cũng phải "choáng". Toyota giảm Altis và Vios 60 triệu, Nissan X-Trail và Honda CR-V cũng giảm tới 100 triệu. Ford, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu... không thể đứng ngoài cuộc chiến mà đều đặn khuyến mãi.
Một lãnh đạo của Trường Hải chia sẻ, "quãng 2014, khi chúng tôi bắt đầu giảm giá, "làng" ôtô coi rằng đó là việc đi ngược dòng nước vì thời điểm bấy giờ giá xe chỉ tăng chứ không giảm".
"Nhưng hiện tại, nước đã đổi chiều, giảm giá là cách duy nhất để cạnh tranh".
Các chuyên gia trong ngành cho rằng giá xe sẽ tiếp tục giảm trong 2017, tuy không phải đột biến. Chính sách thuế, bối cảnh thị trường đều chống lại các hãng có ý định tăng giá.
Honda CR-V giảm tới 100 triệu
Thuế suất tiêu thụ đặc biệt trong 2017 sẽ không đổi so với nửa cuối 2016, trong đó ưu đãi xe nhỏ dung tích 1,5 lít trở xuống ở mức 40%, xe 1,5-2 lít là 45%, 2-2,5 lít là 50% và từ 3 lít trở lên đánh thuế mạnh. Từ giữa 2016, các hãng xe đều có xu hướng sử dụng động cơ nhỏ dưới 2 lít để tránh thuế TTĐB và làn sóng này sẽ tiếp tục trong 2017.
Bên cạnh đó, xe nhập khẩu từ ASEAN còn lợi thế hơn nữa khi thuế suất nhập khẩu giảm còn 30% trong khi 2016 là 40%, tạo tiền đề về 0% vào 2018. Ngay lập tức, các hãng hiện thực hóa chính sách này bằng cách chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, như trường hợp của Honda Civic nhập Thái Lan hay Toyota Fortuner nhập Indonesia. Những hãng khác cũng tranh thủ đưa thêm nhiều dòng xe mới về như Isuzu mu-X, Suzuki Ciaz.
Một Phó tổng giám đốc của Honda Việt Nam cho biết, trong một vài năm tới, các hãng liên doanh sẽ có xu hướng chuyển phần lớn các mẫu xe sang nhập khẩu, chỉ giữ lại 1-2 mẫu xe chủ chốt để lắp ráp. Toyota có thể sẽ chỉ còn lắp Vios và Innova hay Honda chỉ lắp City.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng lớn đến giá xe trong 2017 là tình hình kinh tế ổn định, hệ thống tín dụng ngân hàng hỗ trợ vay mua xe tối đa. "Với đà mua xe như thế này, không dại gì mà tăng giá", một chuyên gia nhận định.
Cuối cùng, đối trọng lớn Trường Hải vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách giảm giá cuốn theo các đối thủ. Trong 2017, mục tiêu mà hãng này đặt ra là giảm giá xe 5% so với 2016. Tức nếu xe có giá 1 tỷ vào 2016, ít nhất sẽ còn 950 triệu, chưa kể các chương trình ưu đãi.
Trường Hải giảm giá bán nâng doanh số, giúp tăng sản lượng, nhờ đó mở rộng sản xuất để đạt lợi thế hiệu suất nhờ quy mô, làm tiền đề để giảm giá tiếp. Trong khi các hãng có xu hướng chuyển sang nhập khẩu thì một mình Trường Hải lắp ráp, vì những lợi thế về chính sách hỗ trợ, nhà xưởng, logistic... mà hãng này sở hữu.
Toyota Fortuner nhập khẩu từ Indonesia
Một nguồn tin nội bộ hãng cho biết, "chúng tôi tối ưu hóa mọi nguồn lực, ví dụ một xe tải chạy từ nhà máy ở Chu Lai ra miền Bắc giao cho đại lý, sẽ đi kèm trên đó vài chiếc xe con giúp giảm chi phí logistic". Trường Hải cũng liên doanh với tập đoàn Mazda Nhật Bản sắp mở thêm một nhà máy sản xuất Mazda ở Chu Lai để xuất khẩu đi ASEAN.
Trong khi xe nhập từ ASEAN được giảm thuế về 0% vào 2018 thì xe nhập từ những thị trường khác không có nhiều biến động, nhưng phần lớn trong số này là xe sang hoặc xe động cơ lớn. Trường hợp ảnh hưởng lớn nhất là Hyundai Thành Công nhập Grand i10 từ Ấn Độ với thuế nhập khẩu 70% thì trong 2017 hãng cũng chuyển sang lắp i10 tại Việt Nam, mở đường giảm giá xe.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng thuận lợi cho giảm giá xe, nhưng bản thân các hãng cũng không thể khẳng định, bởi lý do truyền thống "Việt Nam hạn chế ôtô".
"Giá xe bán ra từ hãng có thể giảm ít nhiều, nhưng nếu chính sách muốn hạn chế, thì bằng cách này hay cách khác, chi phí để sở hữu xe của khách hàng vẫn có thể nằm ở mức cao", một vị giám đốc hãng xe Nhật thở dài, cho rằng hãng hay người tiêu dùng, đều phải "nín thở" nghe ngóng.