Mới đây, tại Quyết định số 1773, Bộ Y tế đã ban hành sổ tay "Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng".
Chống dịch Covid-19, không bỏ rơi người khuyết tật
Ngay sau khi được ban hành, cuốn sổ tay này đã được cộng đồng người khuyết tật, Hội Người khuyết tật và Tổ chức Vì người khuyết tật Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đón nhận như một món quà quý giá. Điều này thể hiện sự quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, họ đã không bị bỏ rơi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sổ tay này dùng cho người khuyết tật, thành viên gia đình người khuyết tật, người chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật, cán bộ y tế, Hội Người khuyết tật và Tổ chức Vì người khuyết tật. Cuốn sổ tay này đã được các ban biên soạn sử dụng các ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu, dễ tiếp cận với người khuyết tật. Bên cạnh đó, cuốn sổ tay được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, gần gũi với người khuyết tật.
Ở Việt Nam, tỉ lệ người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm khoảng 7% dân số, tương đương với khoảng 6,2 triệu người. Bên cạnh đó có khoảng 13% dân số, tức là khoảng 12 triệu người sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Hơn 80% số đó sống tại cộng đồng. Tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số, gia tăng mắc bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thảm họa và hậu quả bom mìn, chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh.
Nhân viên y tế đang kiểm tra thân nhiệt cho người cao tuổi Ảnh: Hải Anh
So với người bình thường cùng lứa tuổi, người khuyết tật thường có sức đề kháng giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và nếu mắc thì diễn biến bệnh nặng hơn người bình thường, đặc biệt đối với nhóm người khuyết tật có mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi hay nạn nhân chất độc da cam dioxin. Vì vậy, việc phòng chống Covid-19 đối với người khuyết tật là rất quan trọng.
Dịch bệnh còn phức tạp
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành,chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết để chung tay phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ luôn động viên tinh thần cho người khuyết tật để họ không lo lắng, không cảm thấy bị phân biệt đối xử, không bị bỏ lại phía sau. Một việc làm hết sức có ý nghĩa và đầy tính nhân văn sâu sắc.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết dù nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan nhưng khó dự đoán, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Chuyên gia này cho biết việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam, phát hiện và cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh cùng với việc những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới trong nhóm này chứng tỏ ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập thành công. Ngoài chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả đó. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội dịch đã bùng phát mạnh. Tuy nhiên, người mắc Covid-19 có thể có những triệu chứng nhẹ. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài.
Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa trao tặng 20.000 chiếc khẩu trang ngoại khoa chất lượng cao cho Bộ Y tế Việt Nam, nhằm giúp các nhân viên y tế và những người đang ở đầu chiến tuyến chống lại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính - Bộ Y tế, cảm ơn UNDP đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Nam Liên cũng khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác với UNDP trong mua sắm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và mua sắm xanh.
Để phòng chống dịch Covid-19, UNDP hợp tác với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động chiến dịch truyền thông "Lan tỏa thông điệp - Không để ai bị bỏ lại phía sau", hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Chiến dịch truyền thông những biện pháp phòng chống Covid-19 qua video, phim hoạt hình và các hình thức khác bằng tiếng dân tộc và ngôn ngữ ký hiệu.