Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy tỉ lệ bao phủ BHYT đã đạt 89% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số, với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân không thấy được tính hấp dẫn của chính sách BHYT; do chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt được như mong muốn và nhu cầu ngày càng cao. Để thu hút người dân tham gia BHYT, Chính phủ đã có chỉ đạo BHXH Việt Nam xây dựng các gói BHYT nhiều mệnh giá.
Nhóm yếu thế đã được bảo vệ
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 39 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản ở trạm y tế xã. BHXH Việt Nam cũng đang tích cực tham gia với Bộ Y tế để xác định quyền lợi cơ bản cho gói dịch vụ y tế này. Tuy nhiên, cần xác định là BHYT xã hội do Đảng và nhà nước chỉ đạo thực hiện cũng chỉ định hướng để cung cấp các quyền lợi cơ bản nhất và đáp ứng được nhu cầu cơ bản của số đông trong khám chữa bệnh. Còn để bảo đảm nhu cầu của những người có yêu cầu được cung cấp những dịch vụ cao cấp hơn, đắt tiền hơn thì cần phải có những gói BHYT bổ sung.
Thực hiện chính sách BHYT nhiều mệnh giá để tăng sức hút cho người dân
Theo ông Phạm Lương Sơn, cũng phải nhìn nhận một thách thức là giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại có sự khác biệt và một trong những sự khác biệt đó là: BHYT thương mại thì phải tính toán để có lợi nhuận và xu hướng để xác định gói y tế bổ sung phù hợp hơn với BHYT thương mại. Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tiến hành xây dựng những quy trình, quy định để có thể kết nối, liên thông giữa BHYT xã hội, do BHXH Việt Nam được giao tổ chức thực hiện, với BHYT thương mại do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện. "Với sự kết nối này, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, tham gia những gói BHYT do các tổ chức, các doanh nghiệp đưa ra, cùng với gói BHYT cơ bản do BHXH Việt Nam cung cấp. Giải pháp này sẽ đáp ứng nhu cầu được cung cấp những gói dịch vụ cao cấp hơn của một bộ phận người dân" - ông Phạm Lương Sơn nói.
Thực hiện chính sách BHYT nhiều mệnh giá
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng trước tiên, BHXH Việt Nam cần phải bảo đảm cho bằng được gói dịch vụ y tế cơ bản. Đối với người có nhu cầu cao hơn thì phải tạo điều kiện cho họ nới khung gói cơ bản để họ đóng góp, tích lũy vào Quỹ BHYT cao hơn, để có thể hưởng lợi cao hơn do chính các cơ sở y tế chăm sóc. Về sự kết hợp giữa loại hình BHYT xã hội và BHYT thương mại, ông Lợi cũng đồng quan điểm cần có sự liên thông nhưng BHXH Việt Nam phải đưa ra những chính sách liên thông phù hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm này và nếu cần thiết thì đề nghị sửa luật. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, sự liên kết này làm càng sớm càng tốt, bởi một là sẽ bảo đảm được cân đối quỹ, hai là bảo đảm được quyền lợi của người dân khi mong muốn có một sự chăm sóc tốt hơn nữa.
Đề cập tới việc xây dựng gói BHYT nhiều mệnh giá, ông Phạm Lương Sơn cho biết BHXH Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng những quy định, quy trình để làm sao ngoài xây dựng những mệnh giá gói BHYT khác nhau thì cũng phải có những gói quyền lợi tương ứng với mệnh giá đó. Tuy nhiên, điều khó nhất là khi xây dựng gói BHYT với từng mệnh giá là phải tính toán được số lượng người tham gia vào gói đó để bảo đảm nguyên tắc là Quỹ BHYT phải được cân đối.
Cứu người dân khỏi "bẫy nghèo y tế"
Ông Phạm Lương Sơn cho rằng tham gia BHYT sẽ là "phao cứu sinh" giúp đỡ người dân thoát khỏi "bẫy nghèo y tế", nếu không may bị mắc bệnh. Tuy nhiên, mỗi nhóm đối tượng có những đặc thù, điều kiện khác nhau. Để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế - xã hội.