Trong nhiếp ảnh, khi nói đến "phơi sáng" đa số hiểu là chụp với tốc độ màn trập rất chậm, gắn máy ảnh vào chân máy, các đối tượng di chuyển trong ảnh hoàn toàn không còn hình dáng, chỉ còn các vệt sáng. Chụp theo cách này, trước đây gọi là chụp B, bây giờ nhiều người gọi là "phơi sáng" (thực chất chụp ở tốc độ nào thì cũng là phơi sáng). Đối với máy ảnh, người chụp sẽ chủ động giảm ISO thấp nhất, khép khẩu độ ống kính rất nhỏ (f/16- f/22), chọn thời gian cho màn trập chậm (10 giây đến 60 giây hoặc hơn).
Nhưng với camera điện thoại, khẩu độ ống kính cố định, có nhiều máy không có giao diện chỉnh các thông số bằng tay (manual), hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thông minh của thuật toán Auto Full. Do đó muốn sử dụng với kỹ thuật "phơi sáng" trên camera của điện thoại, người ta sẽ dùng kính lọc ND (Neutral Density) - một loại kính lọc giảm độ sáng xuyên qua đi vào ống kính, khi đó tốc độ màn trập sẽ giảm đến rất chậm. Nếu chụp "phơi sáng" ban ngày và chủ đề thác nước, bạn sẽ phải dùng loại kính lọc này gắn phía trước camera của điện thoại. Máy ảnh lớn cũng phải vậy thôi. Chúng ta thử xem sao!
+ Thiết bị cần:
- Điện thoại
- Kính lọc ND. Trên thị trường có các loại ND 400, ND 800, ND 1000 ...
- Chân máy 3 càng
+ Cách chụp:
- Gắn kính lọc ND vào trước camera
- Gắn máy ảnh cố định vào chân máy
- Canh khung ảnh, bố cục
- Chạm vào vùng đo sáng và canh nét
+ Những hạn chế
- Nếu điện thoại không cho chỉnh tốc độ màn trập, thì chất lượng ảnh sẽ không tốt lắm.
- Nếu điện thoại có cho chọn tốc độ thì chọn tốc độ chụp: 4 giây đến 32 giây tuỳ theo hoàn cảnh.
Cuối cùng chờ đợi và xem ảnh.
Một số ảnh mình chụp đó đây bằng điện thoại Sony Z1, LG G3, Oppo Find 7
Dù gì thì điện thoại vẫn là điện thoại. Ảnh chụp từ chúng vẫn có giới hạn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng có thể góp phần tăng thêm điều thú vị cho những bạn thích chụp ảnh bằng chiếc điện thoại sẵn có của mình, với những chủ đề ảnh có thể tạo nhiều cảm xúc hơn. Còn những ai muốn có một khung ảnh toàn vẹn hơn về mặt chất lượng ảnh, hãy mua cho mình một chiếc máy ảnh.