Để có những bức ảnh chân dung đẹp không đơn giản chỉ là trêu chọc, pha trò để người mẫu của bạn có được nụ cười rạng rỡ tự nhiên. Nếu bên cạnh nụ cười đẹp hoặc sự thể hiện quyến rũ của người mẫu còn có một quang cảnh đẹp với ánh sáng lý tưởng thì bạn đã có tất cả các nguyên liệu cho một bức ảnh tuyệt vời.
Bài chia sẻ của tác giả Dan Waters trên trang Digital Photography School dưới đây sẽ cho bạn biết một số bí quyết để lựa chọn góc chụp, vị trí chụp khi chụp ảnh chân dung.
Đó có phải là một địa điểm có ý nghĩa?
Điều đầu tiên cần làm là hãy tự hỏi xem liệu địa điểm này có thêm vào ý nghĩa nào cho câu chuyện bạn định nói khi chụp những bức ảnh không? Ví dụ, khi bạn được yêu cầu chụp ảnh chân dung cho một gia đình thì bạn hãy hỏi xem gia đình đó có muốn đi một nơi nào đó để chụp không, một nơi mà có thể giúp họ kết nối cảm xúc một cách mạnh mẽ. Có thể họ tự hào về ngôi nhà hoặc khu vườn của họ, vậy thì chúng ta sẽ chụp ảnh họ ở đó. Hoặc họ muốn chụp khi họ đang đi dạo trong công viên với chú chó cưng, hoặc khi cả gia đình đi dã ngoại, hoặc ở một vùng quê hay vùng ngoại ô nào gần gũi với thiên nhiên và cả gia đình sẽ chơi đùa với nhau. Đương nhiên những địa điểm đó sẽ có ý nghĩa với họ hơn là những bức ảnh chụp với phông nền trắng đơn điệu.
Nhiệm vụ của bạn là lựa chọn một địa điểm để giúp kể câu chuyện của những người trong bức ảnh chân dung, hoặc tạo thêm cho các bức ảnh những ý nghĩa về mặt tình cảm, cảm xúc của những người bạn đang chụp ảnh.
Những không gian mở và có đổ bóng
Tác giả Dan Waters cho biết: Mỗi khi có một cô dâu nói với tôi rằng họ đang cầu nguyện sao cho ngày cưới của họ trời sẽ nắng đẹp rực rỡ, thật sự tôi không dám thổ lộ với họ rằng tôi lại đang cầu cho bầu trời hôm ấy sẽ có mây phủ nhẹ che khuất bớt mặt trời.
Tại sao vậy?
Ánh nắng mặt trời sẽ gây ra những hiệu ứng đổ bóng rất xấu, nhất là khi nó tác động tới phần quan trọng nhất của bức ảnh chân dung - mắt.
Không gian đổ bóng mở (Dan Waters gọi là open shade area) rất lý tưởng với chụp ảnh chân dung, bởi vì ánh sáng mặt trời sẽ không chiếu trực tiếp lên chủ thể, và vì bóng "mở" nên không gian này vẫn có đủ ánh sáng để tạo ra vẻ lấp lánh trong đôi mắt của người mẫu.
Dưới bóng râm của một cây cổ thụ hoặc ánh sáng của cửa sổ là những ví dụ của open shade. Người mẫu sẽ đứng/ngồi trong bóng râm nhưng không hoàn toàn bị tách khỏi ánh sáng xung quanh, vì họ sẽ được đặt ở khoảng trung tâm của căn phòng hoặc ở giữa một khu vực có nhiều cây cối râm mát.
Theo Dan Waters, open shade sẽ mang lại cho bạn ánh sáng có hướng rất dễ chịu và mềm mại, có thể tạo đủ độ đổ bóng trên gương mặt để mang lại chiều sâu cho ảnh mà không bị gắt quá.
Những đường thẳng dẫn tầm mắt
Khi chụp ảnh chân dung, nhất là chân dung ngoài trời, bạn nên tìm kiếm các chi tiết có dạng đường thẳng (line) để đưa vào ảnh bởi những chi tiết này sẽ giúp tạo chiều sâu cho ảnh, dẫn người xem hướng tới chủ thể và cung cấp cho các bức ảnh cảm giác ba chiều (3D).
Bạn có thể sử dụng hàng rào, các lối đi, một nhánh cây xoắn dài, các luống cây (như các luống trên một cánh đồng ngô) - bất cứ điều gì thu hút mắt người xem hướng tới chủ thể của bạn.
Những tán lá lấp lánh
Nếu bạn sắp xếp cho chủ thể của bạn đứng ở nơi mà có những tán lá được chiếu sáng lấp lánh làm nền thì bạn sẽ nhận được một bức tranh khảm tuyệt đẹp với màu xanh lá lấp lánh phía sau người mẫu. Hãy nhớ chọn khẩu độ có trị số f thấp khi chụp ảnh với khung cảnh này (chẳng hạn như f/4).
Với các đối tượng được chiếu sáng nền như thế này, bạn cũng nên chọn chế độ đo sáng điểm (spot metering) để giúp máy ảnh có thể phơi sáng chính xác cho khuôn mặt người mẫu và tránh tạo hiệu ứng đổ bóng silhouette (thường gặp khi chụp ngược sáng, bóng trên nền sáng). Nên sử dụng một tấm hắt sáng sẽ tăng thêm ánh sáng trên khuôn mặt người mẫu.
Các phông nền thô, lạ
Một cánh cửa gỗ mộc có vẻ như không phải là một phông nền thú vị, nhưng kết cấu ghồ ghề thô mộc của nó có thể giúp gia tăng vẻ mềm mại của làn da người mẫu.
Bạn cũng có thể tìm kiếm những bức tường xây thô, hay các đường song song lặp lại, ví dụ như các cọc hàng rào.
Các hình dạng hình học
Bộ não của chúng ta rất thích những gì mang tính trật tự. Chúng ta thường thích những mảnh ghép của trò chơi ghép hình được sắp xếp đúng, và do đó chúng ta không thích các đồ đạc không có điểm nhấn. Bộ não sẽ thích nhìn thấy các chi tiết trong một bức ảnh ăn khớp với nhau như là những mảnh xếp hình đã được hoàn thành. Vì vậy, bạn hãy tìm kiếm những hình hình học như hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật và hình vuông; và chụp một bức ảnh sao cho các hình đó ăn khớp với nhau một cách hài hòa.
Khi bạn bắt đầu tìm kiếm các hình dạng bạn sẽ thấy chúng ở khắp mọi nơi. Hình dạng hình học thường là cơ sở cho nghệ thuật hiện đại và khi lý giải cấu trúc của những bức ảnh đẹp thì bạn sẽ thấy chúng luôn hiện diện trong đó.
Các chi tiết tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh
Để tạo độ sâu cho bức ảnh cũng như tạo cảm giác ba chiều, bạn cần dẫn dắt mắt người xem tới các chi tiết ở tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Trong bức ảnh dưới đây, tiền ảnh là những vạt cỏ lô nhô, phần trung tâm là em bé đang mỉm cười và hậu cảnh là ánh sáng mặt trời đang lấp lánh trên những tán cây.
Những rặng cây
Những hiệu ứng bạn nhận được khi chụp ảnh chân dung dưới một con đường được tạo bởi những rặng cây trông sẽ rất đáng yêu. Nên sử dụng ống kính dài (ống tele) vì nó sẽ giúp kết nối các chi tiết rất tốt. Các tán lá tạo ra bóng mát cần thiết trong khi lối đi sẽ tạo ra một đường dẫn và chiều sâu cho bức ảnh. Ống kính dài sẽ giúp tạo tầm nhìn rất tốt cho người xem và mang lại hiệu ứng "đóng khung" cho ảnh nhờ các hàng cây.
Những kinh nghiệm trên đây liệu có giúp bạn có thêm những ý tưởng khi chụp ảnh chân dung? Hãy thử chúng trong lần chụp ảnh sắp tới của bạn nhé.