Kết quả bình chọn này nằm trong Hành trình tìm kiếm Kỷ lục Việt Nam tiêu biểu của TP hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2015) của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam
Không phải đơn giản khi lần đầu tiên có một khu đô thị được chọn vào tốp các công trình sự kiện tạo nên dấu ấn cho thành phố. Bởi vì, những kỷ lục này được lựa chọn không chỉ dựa trên phạm trù hình thức như to, lớn, dài, rộng mà còn nêu bật được những giá trị nội dung tiêu biểu mọi mặt về văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế của TP. Và khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH) đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí này. Nhìn vào một PMH, người ta không chỉ kinh ngạc về sự bề thế sang trọng, hiện đại mà còn là một minh chứng cho ý chí quyết tâm và sự đột phá trong suy nghĩ của một thế hệ những con người vĩ đại. Để rồi hôm nay, PMH không chỉ cho ta một đẳng cấp sang trọng xứng tầm quốc tế mà còn giúp ta lắng dịu trong những tiếng nhạc du dương của đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay trong những hành trình đi bộ đầy tính nhân văn và còn lắng dịu trong cả cái hồn của dân tộc, của cư dân.
Từ trên những căn hộ sang trọng Phú Mỹ Hưng, mọi người có thể chiêm ngưỡng những hồ nước, công viên, những tòa tháp rực rỡ... Trong ảnh: Một góc nhìn lãng mạn của khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Trải qua hơn 40 năm hòa bình và phát triển, có thể thấy TP HCM có khá nhiều công trình nổi bật, nhiều sự kiện có giá trị về văn hóa, lịch sử, kinh tế. Mỗi thành tựu có những ý nghĩa và vai trò riêng trong sự phát triển, đổi thay của TP. Trong đó, sự phát triển và hình thành khu đô thị mới kiểu mẫu PMH thực sự đã tạo được một tiếng vang lớn không chỉ đối với người dân trong nước mà còn đối với cả cộng đồng trong khu vực. Khu đô thị PMH đã nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ quy hoạch đô thị toàn TP.
Theo Thông tư 09/2008/TT -BXD, để được công nhận là một khu đô thị, cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu gắt gao từ diện tích, dân số đến các yêu cầu về kỹ thuật, quy hoạch, hạ tầng, mật độ cây xanh, độ chiếu sáng, thông tin liên lạc, các công trình hạ tầng... Cụ thể: diện tích phải từ 50 ha trở lên; quy mô dân số từ 5.000 người; tỉ lệ đất giao thông, chỗ để xe, độ rộng vỉa hè phù hợp quy chuẩn...; tiêu chuẩn cấp nước phải từ 150 lít/người/ngày trở lên…; tỉ lệ cây xanh công cộng từ 7 m2/người trở lên; độ chiếu sáng đủ 100% tại khu vực dân cư và khu vực công cộng; thông tin liên lạc đầy đủ, hiện đại… Có lẽ, chính vì quá nhiều những yêu cầu khắt khe như thế nên mãi đến khi PMH xây dựng hoàn chỉnh thì lần đầu tiên tại Việt Nam, một khu đô thị kiểu mẫu trên thực tế mới được biết tới.
Đánh giá về sự thành công này, các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng trước hết là nhờ có sự đột phá của chính quyền TP HCM trong phát triển đô thị, kế đến là đồ án quy hoạch có chất lượng, được nghiên cứu và xây dựng bởi một công ty tư vấn có năng lực và kinh nghiệm.
Bước chuyển mình kỳ diệu
Hơn 20 năm, chính quyền TP đã quyết định cho đầu tư phát triển khu đô thị mới Nam Sài Gòn và trục đường Nguyễn Văn Linh, trong đó khu vực lõi là trung tâm đô thị PMH ngày nay. Từ vùng đất đầm lầy, hoang hóa, PMH đã từng bước chuyển mình, hình thành một khu đô thị kiểu mẫu hàng đầu tại Việt Nam. Những ngày đầu của năm 1993, khi PMH bắt tay vào xây dựng dự án đô thị, rất nhiều người đã tỏ ra e dè, không ai có thể nghĩ tới một đô thị mới lạ, hiện đại trên một vùng đất hầu như không có giá trị kinh tế như thế. Thế rồi, các công trình hạ tầng đầu tiên dần dần hiện lên và sau đó một diện mạo đô thị mới đã thực sự làm cho nhiều người phải kinh ngạc.
Thế nhưng, đối với những người đã làm nên một PMH như ngày nay, mọi thứ đều không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả đều đã nằm trong lộ trình của một kế hoạch hoàn hảo và tỉ mỉ. Trên thực tế, PMH là đồ án khu đô thị đầu tiên được quy hoạch hoàn chỉnh ở Việt Nam tính từ sau năm 1986 và là khu đô thị lớn nhất ở châu Á được quy hoạch tổng thể theo chuẩn mực quốc tế.
Dự án về việc xây dựng một đô thị hiện đại được thiết kế trên khu đất sình lầy 750 ha ở phía Nam TP HCM, khởi đầu bằng tuyến ðại lộ Nguyễn Văn Linh rộng 120 m, dài 17,8 km. Dọc theo tuyến đường là 5 khu vực phát triển (A, B, C, D, E) với các cụm chức năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết cho cộng đồng dân cư. Đến nay, PMH đã trở thành một đô thị kiểu mẫu, hoàn chỉnh với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội gồm hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, cơ sở y tế, giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu của tất cả cư dân.
Theo GS Phan Văn Trường, Trường ÐH Kiến trúc TP HCM, khu đô thị PMH đạt được những thành tựu như hôm nay là do nhà đầu tư xác định nội dung kinh tế - xã hội của đô thị trước khi quy hoạch cơ sở hạ tầng. Ðô thị này đã biết quy hoạch, xác định được nơi đây sẽ tương thích cho ngành kinh tế nào phát triển, thành phần cư dân nào sẽ đến an cư... Chính điều đó đã làm nên sự thành công và bền vững cho PMH ngày nay. Hiện PMH có hơn 85 dự án nhà ở với trên 12.000 đơn vị nhà ở các loại, tổng sàn diện tích xây dựng gần 2,5 triệu m2 và đã thu hút hơn 25.000 người dân (trong đó có khoảng 12.000 người nước ngoài) từ khắp nơi đến lạc nghiệp.
Phủ mảng xanh toàn đô thị
Với diện tích phủ xanh là 124 ha trên tổng 433 ha quy hoạch tổng thể sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi người ta ví PMH là một đô thị xanh giữa thành phố nhiều khói bụi của TP HCM. Khu vực này không chỉ có mảng xanh phủ mát quanh năm mà ngay đến các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm nơi công cộng và không gian mở này được dành cho tất cả mọi người thưởng ngoạn. Đây cũng là đô thị có tỉ lệ phủ xanh cao nhất tại TP HCM với mật độ cây xanh bình quân 8,9 m2/người.
Ngoài 2 công viên có diện tích lớn là công viên Hồ Bán Nguyệt rộng hơn 70.000 m2, công viên nối dài ở khu dân cư Nam Viên có tổng diện tích khoảng 45.000 m2 thì PMH còn có hệ thống các công viên, mảng xanh có diện tích từ 1.000 m2 đến 80.000 m2 cùng hàng trăm công viên nội khu. Đây vừa là điểm đến thư giãn cho cư dân vừa là những con đường kết nối người dân từ nhà đến các khu tiện ích đô thị.
Được thiết kế đặc biệt dựa trên thế mạnh đặc trưng của vùng sông nước phương Nam, PMH mang trong mình những nét bảo tồn của thiên nhiên hoang dã và sự cựa mình của một công trình xây dựng mang tầm vóc quốc tế. Do đó, đến với PMH, ai cũng cảm thấy trong mình sự nhẹ nhõm, thư thái. Chút hồn Việt Nam vẫn còn được lưu giữ trong cái vươn mình để sánh tầm quốc tế từ các công trình tại PMH.
Đến với PMH, mọi người có thể đắm chìm trong những không gian lãng mạn, dạo mát 2 bên đường và cùng trầm trồ trước vẻ đẹp sang trọng của những khu nhà, biệt thự. Từ trên những căn hộ sang trọng PMH, mọi người có thể chiêm ngưỡng những hồ nước, công viên, những tòa tháp rực rỡ ánh đèn hay khu trung tâm Crescent Mall nằm ngay bên bờ hồ Bán Nguyệt lung linh.
Có thể thấy, với những bước phát triển vững chắc, gắn liền giữa giá trị vật chất và giá trị cộng đồng, khu đô thị PMH thực sự là niềm tự hào không chỉ của cư dân PMH mà còn là niềm tự hào của người dân TP. Xứng đáng là 1 trong 10 công trình tiêu biểu tạo dấu ấn của TP HCM 40 năm qua.
Một cộng đồng đẫm tính nhân văn Kiến tạo nên những công trình, kiến tạo nên những ngôi nhà, xây dựng nên những mái ấm, xây dựng tình yêu, tính nhân văn trong mỗi cư dân, đó là điều vẫn thường thấy trong lòng một PMH xanh, đẹp, hiện đại. Mỗi năm, cứ đến tháng 1, tháng 3, tháng 6, tháng 8 và dịp cuối năm, PMH lại rộn ràng không khí của ngày hội qua các chương trình như: Chương trình đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting, Hội chợ Hoa Xuân, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, PMH - Hướng về trẻ em, PMH đón mừng Giáng sinh...
Quy hoạch đô thị của PMH không tách rời khỏi những giá trị giá trị văn hóa - nghệ thuật.Trong ảnh: Hội chợ Hoa Xuân PMH từ lâu đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng mỗi dịp Xuân về... Trong quy hoạch tổng thế, ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng, những nhà hoạch định về một tương lai cho PMH đã xác định, quy hoạch đô thị của PMH không tách rời khỏi những giá trị văn hóa - nghệ thuật mà nó tạo nên một sự gắn kết chặt chẽ. Giữa những khối công trình bê-tông, sắt thép là những khoảng không gian cho sự thăng hoa của cảm xúc, là cái hồn để níu giữ con người lại với nhau. Chương trình đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting hằng năm đã trở thành một điểm nhấn đẹp về tính nhân văn của cộng đồng cư dân nơi đây. Người ta sẽ thấy mình được sẻ chia, có thể sẻ chia cho những mảnh đời bất hạnh qua từng thông điệp thông qua từng bước đi đồng hành. Không những thế, cuộc sống còn nhẹ nhàng hơn khi cứ đến những ngày cuối tháng 3, cư dân nơi đây lại được chìm đắm trong không gian âm nhạc sang trọng của đêm nhạc kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, PMH luôn cam kết thực hiện những hoạt động mang tính xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm cho khu đô thị PMH ngày càng phát triển theo đúng với tinh thần “Đô thị văn minh, cộng đồng nhân văn”, “lấy phục vụ cộng đồng làm giá trị cốt lõi”. |
Bài và ảnh: Thanh Mai